[Bài 1] Buộc phải chuyên nghiệp

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thay đổi và chớp thời cơ

Nhiều chủ vựa và nông dân nói mong chờ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân, dù biết các quy chuẩn là thách thức không nhỏ.

“Trung Quốc chưa bao giờ là thị trường dễ tính. Bây giờ họ còn siết hơn nữa, điều này khiến tôi thấy rất vui vì nó là thách thức, song cũng là cơ hội để nông dân ta làm ăn chuyên nghiệp hơn. Thương lái, chủ vựa cũng buộc phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để có chỗ đứng”, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu), cho biết.

Gắn bó với miệt vườn từ nhỏ, bà Tường Vy khẳng định nông dân miền Tây là “những chuyên gia hàng đầu” về chăm sóc, thu hoạch trái cây. Song, vẫn có lác đác những người vì hám lợi nhất thời mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu trái cây miền Tây.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: Minh Đảm.

Chia sẻ quan điểm này, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, nói Nhà nước cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với các hành vi vi phạm như: dùng thuốc BVTV không đúng quy định, thu hoạch trái cây khi chưa đủ độ chín, trộn các loại sầu riêng để lừa khách hàng về thương hiệu…

Tháng trước, có hai thương lái Trung Quốc đã đến đặt hàng HTX Ngũ Hiệp, đơn hàng là 2.000 tấn. “Họ kiểm tra rất kỹ, từ việc làm mã số vùng trồng, kho lạnh, đóng túi chân không…”, ông Lộc cho biết.

Giám đốc HTX Ngũ Hiệp nói ông và hàng chục thành viên đang rất mong chờ xuất khẩu sầu riêng đạt chuẩn sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. “Chúng tôi vẫn xuất sang cả Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng mấy thị trường này nghe thì sang vậy, chứ họ nhập hàng mình cả tháng không bằng Trung Quốc nhập hai ngày”, ông Lộc nói.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang kiểm tra sầu riêng đông lạnh tại HTX. Ảnh: Văn Việt.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang kiểm tra sầu riêng đông lạnh tại HTX. Ảnh: Văn Việt.

Nâng cao chất lượng

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, diện tích sầu riêng ở đây đã phát triển trên 17.000ha. Địa phương này không mở rộng diện tích ngoài vùng đề án mà tập trung nâng cao chất lượng.

Cây sầu riêng là cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn tỉnh. Có thời điểm, mỗi héc-ta sầu riêng mang lại cho nông dân trên 1 tỷ đồng, do đó khuyến khích người dân chuyển đổi cải tạo vườn tạp sang trồng sầu riêng. Đến nay, diện tích cây sầu riêng của tỉnh Tiền Giang đã đạt hơn 17.000ha, vượt gần 30% so với mục tiêu trong Đề án phát triển cây sầu riêng của tỉnh. Trong đó, diện tích cho trái hơn 10.000ha, năng suất bình quân đạt 28,4 tấn/ha.

Tại hội nghị sơ kết “Đề án phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” giai đoạn 2018 – 2021, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022-2025, tổ chức sáng 14/6, các cơ quan chuyên môn bàn tới việc xây dựng 10 mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng.

Hiện nay, khoảng 70% sản lượng sầu riêng của tỉnh được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đang siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nói chung và trái cây nói riêng, trong đó có trái sầu riêng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc xuất khẩu trái sầu riêng sang Trung Quốc càng khó khăn hơn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn và sản xuất sầu riêng tại huyện Cai Lậy vào cuối năm 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn và sản xuất sầu riêng tại huyện Cai Lậy vào cuối năm 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Thông tin về tình hình chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch thị trường Trung Quốc, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đang tiến đến cấp mã số, phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

“Đến nay, Chi cục đã gửi 10 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và 13 hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, đang chờ Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số ngay sau khi Hiệp định thư được ký kết. Dự kiến trong tháng 6/2022, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký kết Hiệp định thư để cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này”, ông Võ Văn Men cho biết thêm.

Ổn định diện tích, nâng cao chất lượng

Những năm qua, nhờ phát triển cây sầu riêng ước tính có gần 20.000 người lao động có việc làm. Kế hoạch giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tiền Giang giữ ổn định diện tích hiện có, đồng thời tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, chỉ phát triển diện tích trồng mới theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực bắc quốc lộ 1A.

Phấn đấu tổng sản lượng sầu riêng đến năm 2025 đạt từ 310.000 – 366.000 tấn; năng suất ổn định từ 25-26 tấn/ha; 25% diện tích được công nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP); 50% diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70-80% sản lượng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển cây sầu riêng của tỉnh còn một số vấn đề cần quan tâm lưu ý như: mang tính tự phát, chi phí sản xuất tăng cao, sâu bệnh hại còn phức tạp, liên kết tiêu thụ còn thiếu bền vững, xâm nhập mặn… ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân.

Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Phương Ngọc Cái Bè – Tiền Giang cho biết: Công ty đang xuất khẩu sầu riêng tại thị trường Mỹ với hai loại giống Ri 6 và Chuồng Bò. Năm 2021, công ty xuất khẩu trên 800 tấn. Năm nay, mỗi tháng công ty cần khoảng 100 tấn. Tuy nhiên, sản lượng đạt chuẩn thì rất ít, không đủ. Vấn đề đặt ra theo ông Lợi là cần áp dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Tỉnh Tiền Giang đang tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Tiền Giang đang tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Để phát trển bền vững cây trồng này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương các huyện trong vùng Đề án thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả Đề án.

Trong đó, tập trung đào tạo trang bị kiến thức chuyên ngành và cập nhật thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới để tập huấn cho nông dân. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng canh tác tiên tiến, hiệu quả. Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân trong việc phòng chống, dịch bệnh. Áp dụng cảnh báo xâm nhập mặn tự động để có thời gian dự trữ nguồn nước ngọt.

Đồng thời, phối hợp với các tỉnh phía Nam tổ chức sản xuất hiệu quả rải vụ trái sầu riêng. Thực hiện tốt “Đề án rải vụ cây ăn quả chủ lực gắn với liên kết vùng phát triển bền vững các tỉnh phía Nam đến năm 2030” khi được phê duyệt.

Ông Đinh Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, địa phương hơn 10.000 cây sầu riêng cho hay: Năm nay, huyện cố gắng vận động bà con nông dân thực hiện khoảng 270ha sầu riêng VietGAP. Diện tích này rất nhỏ so với tổng diện tích sầu riêng của huyện, do trước đây bà con có thực hiện VietGAP nhưng phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả thương lái thu mua không chênh lệch nên chưa khuyến khích phát triển.

“Nếu Nghị định thư được kí kết, giá cả sẽ không còn bấp bênh. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng trái sầu riêng”, ông Tấn khẳng định.

 

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết, sầu riêng là loại cây chín theo vĩ độ. Tính một cách tương đối, sầu riêng ở miền Tây sông nước sẽ cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6. Tiếp đó là miền Đông Nam Bộ, cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8. Cuối cùng sẽ đến sầu riêng ở Tây Nguyên, chín tháng 9-10.

Gắn bó với cây ăn quả ở Nam bộ, PGS.TS Nguyễn Minh Châu nói ông rất thán phục, tôn trọng những nông dân làm ăn “có tâm, có tầm”. Thậm chí, họ còn sáng tạo nhiều biện pháp chăm bón khiến nhà khoa học bất ngờ.

“Nay thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa là dấu hiệu rất đáng vui mừng. Sầu riêng của nông dân ta hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị phần không nhỏ ở đất nước hơn tỷ dân”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho biết.

 

Văn Việt – Minh Đảm (Nông nghiệp Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO