Nixon Tran – Nghệ nhân cắm hoa Việt kiều về nước và phát triển nghệ thuật “chơi hoa cùng rau muống, vú sữa,…” nhờ một lần đi chợ

Bạn có bao giờ nghĩ sẽ nhận một bình hoa được cắm từ rau muống, bông hẹ, đọt cau hay đôi khi là mãng cầu hoặc nhãn xuồng?

Sở thích, đam mê cá nhân bây giờ đã dần thoát khỏi định kiến giới. Chẳng hạn như khi xưa, đàn ông thường thích tốc độ, thể thao, công nghệ… thì phụ nữ duy mĩ hơn, thích sưu tầm món đồ thời trang, in lụa, thêu thùa, cắm hoa… Ở xã hội hiện tại, có rất nhiều đầu bếp tài hoa là nam giới, cũng có không ít bạn trẻ là nghệ nhân cắm hoa nghệ thuật giới tính nam.

Anh Nixon Tran, 36 tuổi, sinh ra và lớn lên ở California, Mỹ và hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM, đi theo “hoa đạo” hơn 23 năm nay. Anh đã từng tham gia với tư cách một nhà thiết kế, nhà tư vấn, người nghiên cứu về hoa cho nhiều chương trình, liên hoan, lễ hội triển lãm tại Việt Nam và cả ở Hoa Kỳ. 

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 1.

Anh Nixon – nghệ nhân cắm hoa theo trường phái Sogetsu Ikebana.

Hiện tại, anh là nghệ nhân cắm hoa theo trường phái Sogetsu Ikebana. 

Ikebana là tên của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, nó có ý nghĩa là “mang lại sự sống cho hoa”. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, nguồn gốc của Ikebana bắt nguồn từ phong tục dâng hoa cho Đức Phật trong Phật giáo. Và vì Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 6 (thời đại Asuka) nên có thể Ikebana được ra đời vào thời gian này. Với tư cách là một hình thức nghệ thuật, Ikebana được chi phối bởi một số trường phái tư tưởng nhất định và mỗi trường phái Ikebana sẽ có quy tắc, phương pháp riêng.

Trường phái Sogetsu được Sofu Teshigahara sáng lập năm 1927 với ý nghĩa theo đuổi “cái đẹp phóng khoáng vượt ra khỏi mọi khuôn mẫu”. Trường phái này được nhận diện là vẻ đẹp của tác phẩm không đến từ hình thức mà đề cao sự tự do, ngẫu nhiên. Đồng thời Sogetsu sẽ đề cao cá tính của người cắm hoa, sự nỗ lực phát triển những ý tưởng mới với bất kỳ chất liệu nào, chẳng hạn như cành cây khô, sỏi đá, kim loại… 

“Phương châm của những người theo trường phái Sogetsu Ikebana là nghệ thuật Sogetsu Ikebana có thể tạo ra mọi lúc, mọi nơi, bởi bất kỳ ai với bất kỳ chất liệu nào. Quan trọng hơn, Sogetsu tin rằng Ikebana sẽ phản ánh được người đã sắp xếp, sáng tạo ra nó.” – Anh Nixon cho hay.

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 2.

Sự nghiệp “hoa đạo” bắt đầu từ việc làm thêm

“Khi còn học Trung học, mình cần tìm việc làm và may mắn được thuê làm nhân viên bán hàng tạm thời vào ngày Lễ tình nhân tại một cửa hàng hoa địa phương. Lúc đó, mặc dù không định trở thành một người bán hoa, nhưng mình rất thích ở gần những bông hoa. Giữ niềm yêu thích hoa từ đó đến khi 21 tuổi, mình bắt đầu tham gia các lớp học cắm hoa, được giới thiệu đến các studio thiết kế và bắt đầu sự nghiệp với công việc cắm hoa cho đám cưới, phim ảnh và sự kiện.

Mọi kiến thức ở thời điểm bắt đầu hoàn toàn được đào tạo từ cửa hàng hoa nhỏ nơi mình từng làm thêm. Không hẳn là học được nhiều thứ nhưng vì phải làm việc liên tục nên mình trau dồi khá nhiều kinh nghiệm. Vào Đại học, mình tiếp tục làm việc cho một nhà thiết kế nổi tiếng ở San Francisco. Sau đó mình lại có cơ hội điều hành một xưởng thiết kế các sự kiện lớn, thực hiện hàng trăm dự án và đám cưới… Cứ thế, kiến thức và đam mê góp từ những miệt mài ngần ấy năm.”

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 3.

Thực chất con đường về Việt Nam để phát triển sự nghiệp cắm hoa hoàn toàn không nằm trong định hướng ban đầu của anh Nixon. Anh là một người cắm hoa tự do cho nhiều công ty tổ chức sự kiện và đám cưới trên toàn cầu nhưng khi đại dịch ập đến, anh không nhận được dự án nào. Anh bắt đầu mua hoa cho bản thân, chủ yếu như một liệu pháp để bớt nhớ hoa. Khi đăng tải các tác phẩm mình “giải khuây” mùa dịch lên mạng xã hội, anh nhận được khá nhiều lời mời mở lớp học cắm hoa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy anh bắt đầu phát triển sự nghiệp ở đây, như một cái duyên.

Tuyệt tác sau những lần đi chợ

Các tác phẩm của anh thu hút giới mộ điệu không chỉ đơn thuần là sự tận hưởng chuyển động hoa mới lạ theo trường phái Sogetsu mà còn từ những vật liệu đặc biệt. Anh cắm hoa từ các loại rau như bông hẹ, mồng tơi, rau muống… đến các loại quả như mãng cầu, vú sữa, nhãn…

“Mình thường khám phá các cửa hàng hoa quả ở địa phương, chợ nông sản và chợ hoa, và ở Việt Nam mình rất dễ lấy cảm hứng. Chính vì điều kiện đặc biệt của Việt Nam như thời tiết nhiệt đới chẳng hạn, làm cho các giống nguyên liệu thực vật khác nhau phát triển tốt, mọi thứ trở nên phong phú nên mình có thể tình cờ tìm thấy nhiều chất liệu độc đáo khác nhau. Mình từng có ý tưởng khi nhìn thấy những quả thanh long được xếp chồng lên tại một gian hàng, phát hiện xoài có cùng tông màu hay ho với chuối khi đi ngang chợ nông sản…”

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 4.

Tác phẩm từ trái tầm bóp và hoa hồng.

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 5.

Tác phẩm từ hoa hồng môn, dây leo dưa chuột

Lí do ban đầu giúp anh để tâm đến các vật liệu cắm hoa lạ lùng này là trong một lần đi ăn sáng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ. “Còn nhớ một lần mình đến chợ hoa Hồ Thị Kỷ để mua hoa, nhưng khi ăn sáng xong đi ngang qua một người phụ nữ đang xách túi rau muống, mình nhận ra những chuyển động của rau muống trong túi ni-lông rất đẹp. Cuối cùng mình đã mua rau muống về để thiết kế thay vì lựa hoa.

Tiếp tục hôm sau, mình thử dạo quanh các chợ và lại tìm thấy bông hẹ. Mình cố gắng uốn cong, cuộn tròn nó hết mức có thể mà không làm gãy cuống, sau đó đặt trong tủ lạnh một ngày để nó giữ nguyên hình dạng, thử ứng dụng vào các tác phẩm xem sao, và kết quả rất tuyệt vời.”

 “Mình nhìn thấy những thứ này được gói lại ở chợ và nghĩ, những thân cây này mới vui làm sao! Vì vậy mình mang chúng về nhà, quấn chúng quanh một cái bát để uốn cong thân cây và để chúng trong tủ lạnh.” – Tác phẩm từ rau muống, bông hẹ của anh Nixon.

Nixon cho biết, chính những chất liệu thiết kế đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm mà anh tạo ra. Đó có thể là cuống của bông hẹ, đường nét của rau muống, màu của đọt cau… 

“Có một vài bài học Ikebana sử dụng trái cây, nhưng mình sử dụng trái cây là vì bị thu hút từ những bức tranh tĩnh vật. Khi nghiên cứu, mình nhận thấy trong tranh có nhiều loại trái cây khác nhau và vải. Lúc đó mình đã nghĩ: “Nếu các nghệ sĩ người Flemish còn sống ở Việt Nam, họ sẽ vẽ gì?”. Từ đó, mình quan sát các loại trái cây ở Việt Nam mang tính biểu tượng, cộng hưởng với sự sắp xếp, sáng tạo của chính mình để tạo ra một tác phẩm như tranh vẽ.”

Tác phẩm bao gồm: mồng tơi, cây chuỗi ngọc trắng, mãng cầu, quả me, hoa mao lương, hồng ngọc mai

Một số tác phẩm khác của anh:

Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 8.
Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 9.
Nghệ nhân Việt Kiều về nước và phát triển nghệ thuật cắm hoa bằng trái cây, rau củ của mình từ một lần đi chợ - Ảnh 10.

Liệu pháp từ “hoa đạo”

Anh Nixon chia sẻ quan điểm, một nghệ nhân phải tạo ra những tác phẩm mang cá tính riêng của mình. “Thông qua các tác phẩm, có thể mô tả đơn giản được rằng mình là người vui vẻ, cởi mở. Và cũng thông qua nghệ thuật cắm hoa, tác giả có thể giải toả được tâm trạng khá tốt. 

Hoa là phép thuật, và Ikebana giúp bạn kích hoạt phép thuật đó. Trong những bài học đầu tiên của Sogetsu Ikebana, bạn sẽ có những cuộc trò chuyện với chính mình về những bông hoa và cách sắp xếp. Một khi mình chìm đắm trong nghệ thuật thì sẽ át đi mọi thứ khác trong cuộc sống, nó giống như một buổi trị liệu hoặc một buổi tập thể dục hiệu quả.”

Chính vì mong muốn thông qua nghệ thuật sắp xếp hoa để mang lại niềm vui và cảm hứng cho mọi người, anh Nixon từ một nghệ nhân bắt đầu muốn lan toả cảm hứng đến nhiều người hơn thông qua con đường “giảng dạy”. “Mình đã làm việc này hơn nửa cuộc đời mình và cảm nhận rõ ràng sự tích cực mà nó mang lại cho cuộc sống. Đơn giản như mọi người chọn tặng hoa làm quà vì nó mang lại niềm vui cho người nhận, thì mình cắm hoa cũng giống như tặng cho bản thân thêm một niềm hạnh phúc.

Thế nên mình mở các lớp workshop, lớp học của mình có cả nhân viên văn phòng, các bà mẹ, chị em nội trợ, sinh viên trẻ… vì hoa là thứ mà bất cứ ai cũng có thể thưởng thức. Tuy nhiên, với đòi hỏi của công việc trong thời buổi hiện tại, những workshop này đang là cách để dân văn phòng tạm gác lại công việc, tìm cảm giác cân bằng và niềm vui.”

Ngoài ra, anh tiết lộ dự định sẽ tổ chức triển lãm Ikebana ít nhất hai lần một năm để sinh viên cũng như những ai yêu cắm hoa nghệ thuật có thể học hỏi, bộc lộ những tài năng mới ở Việt Nam.

Theo anh, nghệ thuật sắp xếp hoa đối với những người yêu hoa thì không xem là tốn kém. Cắm hoa có thể đắt tiền nếu mua hàng nhập khẩu, hàng quý hiếm, hàng độc lạ… nhưng chúng cũng có thể ít chi phí nếu dùng từ những chất liệu đơn giản, bình dân. Mọi người có thể bắt đầu với bất kì mức chi phí nào, quan trọng là nó nói được gì cho tâm tư, và đem được bao nhiêu niềm vui trong lòng.

Bích Loan (Theo Tổ quốc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO