Nhiều bệnh nhân tiểu đường thắc mắc liệu ăn cam có an toàn không. Trên thực tế, nếu ăn điều độ, cam sẽ là thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn thân thiện với bệnh tiểu đường.
Với người tiểu đường, việc theo dõi lượng đường trong máu là điều nên làm. Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện phù hợp và dùng thuốc theo toa là những phương pháp tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong máu.
Có một lầm tưởng rằng những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh ăn trái cây bao gồm cả cam vì chúng chứa đường tự nhiên. Nhiều bệnh nhân tiểu đường thắc mắc liệu ăn cam có an toàn không. Trên thực tế, cam có thể có mặt trong chế độ ăn thân thiện với bệnh tiểu đường nếu ăn điều độ.
Cam là loại quả có chỉ số đường huyết thấp do đó chúng có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng chậm sau khi ăn cam có thể cung cấp năng lượng bền vững.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, trái cây họ cam quýt được coi là siêu thực phẩm cho bệnh nhân tiểu đường. Cam chứa nhiều chất xơ, vitamin C, folate và kali, giúp ích cho chế độ ăn uống lành mạnh dành cho bệnh nhân tiểu đường. Hàm lượng chất xơ trong cam rất cao. Sự trao đổi chất của chất xơ là thấp nhất và mất nhiều thời gian nhất để tiêu hóa. Điều này cho phép giải phóng đường vào máu với tốc độ chậm hơn để đảm bảo mức đường huyết ổn định.
Người tiểu đường ăn cam tốt như thế nào?
1. Cam rất giàu vitamin và khoáng chất
Một quả cam cỡ trung bình cung cấp khoảng 91% giá trị vitamin C hàng ngày. Vitamin C có chức năng như một chất chống oxy hóa, các phân tử chống lại stress oxy hóa trong cơ thể bạn. Với người tiểu đường, nhu cầu vitamin C tăng cao để giúp đẩy lùi stress oxy hóa.
Một quả cam cỡ trung bình cũng cung cấp 12% giá trị folate hàng ngày. Mặc dù các kết quả còn khác nhau, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng khoáng chất này có thể làm giảm mức insulin và cải thiện tình trạng kháng insulin, kiểm soát lượng đường trong máu và các triệu chứng của bệnh về mắt do bệnh tiểu đường.
2. Cải thiện khả năng miễn dịch
Cam rất giàu vitamin C, có thể giúp bệnh nhân tiểu đường cải thiện khả năng miễn dịch và làm mờ vết nám trên da do đường trong máu tăng cao.
Hơn nữa, do cam là loại quả có hàm lượng đường rất thấp nên người bệnh có thể yên tâm rằng việc tiêu thụ cam sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.
3. Cung cấp chất chống oxy hóa
Cam rất giàu chất chống oxy hóa flavonoid, chất này giúp người tiểu đường chống viêm, giảm stress oxy hóa và giảm tình trạng kháng insulin, cũng như tăng độ nhạy insulin.
Cam cũng có chứa anthocyanin, một nhóm flavonoid phổ biến đối với các loại trái cây và rau quả có màu đỏ, tím hoặc xanh lam. Theo nghiên cứu, các hợp chất này có thể chống lại stress oxy hóa, biến chứng bệnh tim và chứng viêm ở bệnh tiểu đường.
Người tiểu đường ăn cam cần lưu ý
Ăn cam nguyên quả có nhiều lợi ích hơn là uống nước ép. Nói chung, nước trái cây không có đủ chất xơ nên có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Theo Tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường, ăn trái cây họ cam quýt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ, nhưng uống nước ép cam có thể có tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường. Điểm chỉ số đường huyết của nước cam không đường cũng vào khoảng 50, so với chỉ số GI của một quả cam nguyên quả là 40
Bảo Nam (Phụ nữ Việt Nam)