Vùng đất cực Nam Tổ quốc không chỉ trù phú về rừng và biển mà còn nổi tiếng với vô số đặc sản níu chân du khách gần xa.
Cua Cà Mau
Cua Cà Mau không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, … Loại cua này được đánh giá là cua ngon nhất trong cả nước vì hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin rất bổ dưỡng. Thịt cua Cà Mau vừa chắc, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi và gạch cua thì béo ngậy không chê vào đâu được. Cua được chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như rang me, rang muối, hấp, cua trộn gỏi rau càng cua, bánh canh cua …
Món cua Cà Mau nức tiếng gần xa, thực khách say mê thưởng thức. mỗi khi Ảnh: DulichmienTay
Cá thòi lòi
Là một trong những sản vật đặc biệt của vùng rừng ngập mặn Cà Mau, chỉ sống trong tự nhiên, cá thòi lòi được yêu thích nhờ thịt nhiều, ngọt, dai. Loại cá này có giá trị dinh dưỡng cao, không xương dăm. Từ cá thòi lòi, người Cà Mau đã biến tấu nên nhiều món ngon như canh chua với mẻ, kho tiêu, chiên xù, … song ngon nhất vẫn là nướng muối ớt.
Cá còn tươi, để nguyên con rửa sạch bùn, ướp chút muối ớt, sau đó đặt trên bếp than nướng với lửa vừa. Khi da vừa vàng đều, dậy lên mùi thơm là cá sắp chín. Cách làm này giúp cá có mùi thơm lan tỏa quyện cùng mùi cay nồng của ớt, kích thích vị giác. Ảnh: Haisantuoisong
Ngoài nướng muối ớt, mùa cá nhiều, người Cà Mau còn mang làm khô để dành ăn quanh năm. Khô cá thòi lòi chiên hoặc nướng chấm mắm me cũng là một trong những món ăn khiến bạn lưu luyến mãi.
Ba khía Rạch Gốc
Một đặc trưng tại vùng Đất Mũi mà bạn không thể bỏ qua là đặc sản Ba Khía Rạch Gốc. Ba khía thuộc họ nhà Cua, thường sống trong vùng ngập mặn, chúng ăn những trái mắm đen rụng xuống nên thịt rất chắc và có ít gạch son.
Ba khía thường được chế biến theo nhiều cách khác nhau như hấp, rang me, nướng, … nhưng phổ biến và nổi tiếng nhất là mắm ba khía Rạch Gốc. Tuy làm mắm nhưng ba khía vẫn giữ được nguyên vị đặc trưng, hãy một lần thưởng thức món mắm ba khía với cơm nóng, tuy dân dã bình dị, nhưng món đặc sản độc đáo này đã níu chân nhiều du khách.
Món mắm Ba Khía Rạch Gốc làm du khách siêu lòng mỗi khi thưởng thức. Ảnh: Dacsan4u
Tôm tít
Cà Mau ba mặt giáp biển nên tôm tít được đánh bắt ở những cửa biển lớn. Mặc dù có thể tìm gặp tôm tít ở chợ hoặc những quán hải sản ở Cà Mau nhưng để thưởng thức trọn vẹn con tôm tít có thể đến những nơi như: Sông Đốc, Đá Bạc, Khai Long, Đất Mũi, Năm Căn vì ngoài ăn con tôm tít còn tươi sống vừa đánh bắt từ biển lên còn được ngắm cảnh rừng biển bao la.
Ở Việt Nam, tôm tít còn biết đến với những cái tên như: Tôm tích, tôm thuyền, bề bề, tôm búa, bàn chải. Ảnh: Nucuoimekong
Thịt tôm tít có vị ngọt của tôm lại mang vị mặn của biển nên rất được nhiều người ưa thích. Cách chế biến tôm tít đơn giản nhất là luộc chín chấm muối tiêu chanh ăn kèm với rau sống, còn nếu muốn tốn công một chút thì có thể hấp bia, hấp nước dừa, hấp sả, nướng hoặc cháy tỏi.
Lẩu mắm U Minh
Khi đặt chân đến vùng sông nước Miền Tây, món lẩu mắm vẫn là một đặc sản mà bạn đừng nên bỏ qua. Với hương vị mắm đặc trưng, tại Cà Mau nước lẩu sẽ được nấu bằng mắm cá Sặc, cùng với một ít sả băm nhuyễn làm dậy lên mùi mắm thêm “nồng nàn” hơn.
Món lẩu mắm vùng U Minh thì chắc chắn không thể thiếu những món ăn kèm như cá, tôm, mực và những loại rau rừng xanh tươi đặc trưng tại vùng rừng U Minh như đọt nhãn lồng, rau đắng, càng cua, bông súng, đọt choại,… Ảnh: Truyenhinhdulich
Dưa bồn bồn
Dưa bồn bồn một sản phẩm đặc thù, một món ăn dân dã, mang hương vị của đồng quê. Từ lâu, dưa bồn bồn đã làm nên “thương hiệu” của vùng đất Cà Mau và không lẫn vào các loại dưa khác.
Khi mùa sa mưa, nước ngập trên những cánh đồng, cây bồn bồn bắt đầu sinh sôi, nẩy nở thì cũng chính là mùa làm dưa bồn bồn bắt đầu. Để làm dưa bồn bồn, người ta thường chọn những cây bồn bồn non, thân lớn. Bồn bồn nhổ về, được lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non, rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi cho vào một cái hủ và được đậy kỹ bằng lá chuối tươi. Sau đó, lấy nước cơm vo đã cho lên men chua đổ vào.
Bằng cách làm này, chỉ khoảng vài ba ngày là dưa bồn bồn có thể đem ra ăn được. Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…
Món dưa bồn bồn – Một trong những đặc sản của Cà Mau. Ảnh: Taucaotoc
Nếu trước đây bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo, sống ở vùng nông thôn thì ngày nay dưa bồn bồn trở thành món ăn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn. Nhờ đó, dưa bồn bồn đã nổi tiếng và trở thành đặc sản của Cà Mau.
Ngọc Tân (Theo vietnamnet.vn)