Vượt núi, “săn” loại chuối nhiều hạt, ít thịt, chát xít, mọc tận trong rừng sâu Phú Thọ

Lúc nông nhàn, những phụ nữ luống tuổi khu Bến Thân (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) lại đeo gùi, vượt núi, băng rừng “săn” chuối rừng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Băng rừng, vượt núi hái chuối rừng

Thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu Bến Thân (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) được bao phủ bởi các ngọn núi sừng sững với hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú.

Sinh sống giữa bạt ngàn rừng núi, bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao ở Bến Thân không ai lạ những cây chuối rừng mọc um tùm khắp núi rừng Tân Sơn. Trước đây, bà con thường lấy thân cây chuối rừng làm thức ăn cho con lợn, gà, vịt, lấy lá về gói bánh.

Mấy năm lại đây, chuối rừng khô được các thương lái thu mua, đắt hàng như tôm tươi. Cũng vì vậy, hái chuối rừng trở thành nghề phụ, mang lại thêm thu nhập cho người dân trong khu Bến Thân.

“Săn” chuối rừng miền sơn cước - Ảnh 1.

Chuối rừng già, căng vỏ, ít thịt, có vị chát ở vùng rừng núi huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Cao Khôi

Thời gian này, tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi ngày, khi trời còn mờ tối, bà Đặng Thị Lan (67 tuổi, khu Bến Thân) vội vàng làm ấm bụng bằng bát cơm vừng, rồi tất tả mang dao, đeo gùi rời nhà, băng rừng, vượt núi đến Suối Lùn để hái chuối rừng.

Bà Lan cho biết, dù đứng tuổi, sức khỏe không còn dẻo dai như trước nhưng từng đoạn rừng khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn bà thuộc lòng bàn tay.

“Vốn sinh ra, lớn lên ở miền sơn cước nên tôi đã quen, dày dạn với sương gió, nắng mưa núi rừng. Ngoài 60 tuổi không chỉ tôi mà nhiều bà con ở khu Bến Thân vẫn hằng ngày vào rừng kiếm cây dược liệu, hái chuối rừng để bán, cải thiện đời sống, sinh hoạt”, bà Lan nói.

Theo lời kể của bà Lan, mỗi lần lên rừng hái chuối, bà phải đi từ rất sớm, vượt qua quãng đường rừng dài vài cây số gồ ghề, bao quanh là những vách đá sừng sững, vực sâu mới đến được.

“Tôi phải mất vài tiếng đồng hồ đi bộ, đến lúc mặt trời đứng bóng mới đến được vạt chuối mọc xanh tốt giữa lưng chừng núi,” bà Lan vui vẻ kể lại.

Đến nơi, bà chỉ kịp hớp nhanh ngụm nước, cầm rựa (dao) chui vào giữa vạt chuối, đưa mắt lựa những cây có buồng già, tỉa nải khéo léo cho vào gùi. Sau đó, bà lại nhanh chóng xuống núi, kẻo trời tối sẽ nguy hiểm.

Bà Lan cũng cho biết thêm, khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn không khí mát mẻ, chuối rừng mọc tự nhiên, phát triển quanh năm. Dù cụm chuối nhiều buồng, nhưng bà chỉ chặt những buồng chuối có quả to, già, chuẩn bị chín, buồng non để lại cho những chuyến sau.

“Săn” chuối rừng miền sơn cước - Ảnh 2.

Chuối rừng sau khi mang về được thái, phơi cho héo vỏ. Ảnh: Cao Khôi

Thêm thu nhập từ nghề hái chuối rừng

Chị Đặng Thị Phương (khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, nhiều năm nay, người dân địa phương lên núi Trò, Suối Lùn, Suối Lải… để tìm, hái chuối rừng về ngâm rượu hoặc bán lại cho người có nhu cầu.

“Đường vào rừng có độ dốc cao, khó leo, chuyến đi vất vả, nhọc nhằn, tính ra cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Nhưng vì có thêm đồng quà, tấm bánh cho con thơ nên những người phụ nữ khu Bến Thân vẫn chịu khó lên núi hái chuối rừng”, chị Phương nói.

Cây chuối rừng có hình dạng giống cây chuối nhà nhưng thân chuối rừng cao to hơn, cao chừng 3-4m, lá thẳng vút lên trên. Chuối rừng mọc theo chòm hoặc đơn lẻ vài bụi bên triền núi, hướng ra phía suối hoặc khe núi có nước chảy.

Một buồng chuối rừng có 5-9 nải, chừng hơn 100 quả. Quả chuối rừng dài chừng 9-10cm, ít thịt, hạt rất nhiều, màu đen, vị chát. Chuối rừng thường được dùng để làm thuốc hoặc ngâm rượu.

Chuối rừng sau khi mang về được người dân phơi cho héo vỏ, săn thịt rồi tiếp tục được thái lát, phơi nắng thêm vài buổi, sau đó mới có thể mang ra chợ quê Đồng Sơn, Lai Đồng chào bán.

Theo bà con Bến Thân, cứ khoảng 5kg chuối rừng tươi thì cho 1kg chuối rừng khô. Sản phẩm chuối rừng ở Bến Thân được bà con bán với giá dao động 20.000-30.000 đồng/kg.

“Săn” chuối rừng miền sơn cước - Ảnh 3.

Chuốt rừng sau khi phơi khô được dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu. Ảnh: Cao Khôi

Chị Đặng Thị Phương cho biết, không phải chuối rừng nào cũng có giá bán như nhau. Thường chuối rừng hái, chế biến vào ngày hè nắng, ruột trắng, hạt cứng, đen nhánh, sẽ được khách hàng ưa chuộng và đắt giá hơn.

“Gặp mấy buổi mưa liên tiếp, không thể phơi, công sức mấy buổi đi rừng trôi theo dòng nước mưa ngay… Vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao thế nhưng hầu như nhà nào ở Bến Thân cũng có phụ nữ đi rừng lấy chuối”, chị Phương kể.

Ông Phùng Văn Đam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Sơn cho biết: “Chúng tôi đang định hướng, xây dựng ngành nghề phụ phát triển kinh tế gia đình theo hướng xa rừng.

Trước đây rất ít bà con đồng bào dân tộc Dao ở Bến Thân biết giao thương chợ búa. Nhưng hiện nay rất đông các bà, các chị biết căn lịch chợ phiên Đồng Sơn, Lai Đồng để mang bán nông sản, mua sắm các vật dụng thiết yếu. Chuối rừng khô hiện là một trong các mặt hàng chủ lực được chị em mang ra chợ.

Với quyết tâm, nỗ lực của chính quyền xã cộng với tinh thần đồng thuận của người dân, chắc chắn sẽ mang lại những chuyện vui, tốt đẹp giúp cuộc sống bớt khó khăn, vất vả. Đến lúc đó, sản phẩm chuối rừng khô Bến Thân sẽ mang sắc thái, hương vị khác, bớt đi vị chát đắng của mồ hôi nhọc nhằn”.

Hoan Nguyễn (Báo Dân Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO