Người Hàn Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền cho nông sản chất lượng

Thị trường Hàn Quốc rộng cửa với hàng hóa nhiều nước nên cạnh tranh rất gay gắt. Để xâm nhập sâu rộng, nông sản của Việt Nam phải có chất lượng và uy tín cao.

Đó là chia sẻ của ông Hong Kiok (thứ ba, từ phải sang, ảnh chụp trong một chuyến tham quan tình hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam) – Tham tán Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn – Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Canh tác thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc chọn để thực hiện chiến lược hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Vậy ông có thể đánh giá về tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp Việt Nam cũng như những thách thức, bật cập cần giải quyết để có thể phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân?

Việt Nam có diện tích đất canh tác rộng lớn và nguồn nhân lực dồi dào hơn Hàn Quốc. Khí hậu của Việt Nam phù hợp với nhiều loại cây nông nghiệp, rau quả và vật nuôi. Đây chỉ một số thế mạnh mà nông nghiệp Việt Nam sở hữu.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển thêm về cơ giới hóa. Bởi, trong một xã hội hiện đại sẽ xuất hiện sự cạnh tranh lực lượng lao động giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp khác như dịch vụ và sản xuất do người dân có xu hướng thích những công việc mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Cơ giới hóa trong nông nghiệp là điều cần thiết để duy trì sản xuất trong điều kiện ngày một ít lao động đầu vào.

Trước đây, Hàn Quốc từng là một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và năng suất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi đã sớm nhận ra điểm yếu này và đề ra chiến lược cơ giới hóa trong nông nghiệp để tạo ra những “bước nhảy thần kỳ”.

Ở Hàn Quốc, các mô hình nông nghiệp đều được tạo ra để tuân theo một quy trình phát triển nông nghiệp theo mục tiêu bền vững.

Ở Hàn Quốc, các mô hình nông nghiệp đều được tạo ra để tuân theo một quy trình phát triển nông nghiệp theo mục tiêu bền vững.

Giai đoạn 1961 – 1994, các nông hộ được trang bị máy kéo nhỏ cho sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động. Đến nay, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa để giảm chi phí sử dụng sức lao động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra. Đặc biệt, mật độ trang bị máy nông nghiệp bình quân của các hộ nông dân Hàn Quốc chiếm tỉ lệ cao.

Từ kinh nghiệm của mình, Chính phủ Hàn Quốc mong muốn được chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là các vùng sản xuất trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng thông qua các chương trình dự án cụ thể. Qua đó, góp phần giảm tổn thất trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động…

Thưa ông, đâu là những trọng tâm ưu tiên trong hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong giai đoạn tới, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược “nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân thông minh” mà Việt Nam đang nỗ lực hướng đến?

Tôi nghĩ canh tác thông minh sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Nông nghiệp thông minh theo đuổi mục tiêu giúp việc canh tác trở nên thuận tiện hơn, vật lực đầu vào ít hơn, nhiều đầu ra hơn và hiệu quả bền vững hơn.

Vì vậy, nông nghiệp thông minh sẽ phù hợp với một quốc gia có ít đất đai và hạn chế sức lao động. Nông nghiệp thông minh sẽ có khả năng kiểm soát tình trạng sức khỏe cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; giảm gánh nặng tiềm tàng đối với môi trường và giúp quá trình cang tác được thực hiện đơn giản hơn.

Nông sản Việt Nam cần phải có năng lực cạnh tranh của chính mình

Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã vươn tới trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa cao và chưa có thương hiệu. Vậy làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh tại Hàn Quốc đồng thời nâng tầm thương hiệu trên thị trường?

Hàn Quốc có nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021. Thị trường nông – lâm – thủy sản trong nước của Hàn Quốc rộng cửa với nhiều nước nên cạnh tranh rất gay gắt.

Thị trường Hàn Quốc ưa chuộng cà rốt được trồng tại Việt Nam.

Thị trường Hàn Quốc ưa chuộng cà rốt được trồng tại Việt Nam.

Để xâm nhập vào thị trường hơn 51 triệu dân và cạnh tranh tốt ở Hàn Quốc, nông sản Việt Nam phải có chất lượng và uy tín cao. Người tiêu dùng Hàn Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao và an toàn. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cũng cho, rằng thương hiệu và danh tiếng của một sản phẩm là rất quan trọng.

Để cạnh tranh và nâng cao nhận diện thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc, tôi cho rằng nông sản Việt Nam cần phải có năng lực cạnh tranh của chính mình. Nông nghiệp Việt Nam cần sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có tính đồng nhất về mẫu mã và đặc tính khác biệt. Ngoài ra, cần có thương hiệu nổi tiếng và dễ nhận diện như Delmont, Dole.

Có thủ tục cởi mở và minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư

Hàn Quốc có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông, làm sao để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là chuyện không dễ dàng ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vì lợi nhuận của các khoản đầu tư đó không thể được đảm bảo, hoặc ước tính chung là thấp hơn các lĩnh vực khác.

Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều dễ hư hỏng và thời hạn sử dụng ngắn khiến các cơ sở kinh doanh nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, những thay đổi theo mùa cùng với khối lượng và sự thay đổi của nhu cầu.

Việc thiếu chắn chắn trong quyết định và triển khai các khoản đầu tư cũng khiến mọi người ngại rót vốn. Người dân lo ngại liệu họ có thể được cấp phép thuê đất, xây dựng cơ sở hoặc điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam hay không, thời gian được cấp phép là bao lâu…

Vì vậy, nếu Việt Nam muốn mời nhiều người hoặc nhiều công ty đầu tư vào Việt Nam thì phải có thủ tục cởi mở và minh bạch hơn từ đầu đến cuối.

Ông kỳ vọng điều gì vào mối quan hệ hợp tác bền chặt, tin cậy và toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc?

Tôi mong rằng quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ ngày càng được nâng cao và trở nên sâu sắc như hai bên đã thể hiện trong mối quan hệ ngoại giao 30 năm qua.

Nền kinh tế của cả hai quốc gia đều có những ưu và khuyết điểm riêng nhưng có thể bổ trợ cho nhau khi hợp tác.

Xin cảm ơn ông!

Đức Huy – Minh Phúc (Nông nghiệp Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO