Đem cây này từ Hưng Yên vô trồng ở Gia Lai, ai ngờ cây nào cũng ra trái như chùm sung, nông dân giàu nhanh

Năm 1997, gia đình ông Phạm Văn Tưởng từ tỉnh Hưng Yên vào thôn An Quý (xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp. Khi vào vùng đất mới, ông mang theo giống nhãn Hương Chi nổi tiếng của địa phương để trồng thử nghiệm.

Nhận thấy cây nhãn Hương Chi phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năm 2015, ông mở rộng diện tích để trồng 550 cây. 

Đặc biệt, ông Tưởng đào ao thoát nước rỉ, vun cao đất cho từng gốc nhãn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây ra quả trái vụ để có được giá cao. 

Đem cây này từ Hưng Yên vô trồng ở Gia Lai, ai ngờ cây nào cũng ra trái như chùm sung, nông dân giàu nhanh - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở xã Phú An (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) áp dụng kỹ thuật để cây nhãn ra quả trái vụ, cho thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo ông Tưởng, nhãn chính vụ thu hoạch đồng loạt từ tháng 7 âm lịch dễ dẫn đến giá không ổn định, thường xuống thấp. Trong khi đó, nhãn trái vụ thời điểm thu hoạch khoảng tháng 3 âm lịch.

Do ít người trồng nhãn theo kiểu này nên giá nhãn Hương Chi trái vụ luôn ổn định và bán giá cao hơn so với nhãn chính vụ.

Ở Gia Lai, thời điểm tháng 3 đang là mùa khô nên rất thuận lợi để nhãn ra quả trái vụ.

“Nhãn trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái. Những khu vực đất tốt, mức đầu tư ổn định có thể thu hoạch sớm hơn. Chi phí đầu tư trồng nhãn không lớn như các loại cây trồng khác, chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha”-ông Tưởng chia sẻ.

Vườn nhãn Hương Chi được ông Tưởng chia thành 3 khu vực, mỗi vùng cách nhau 10 ngày xoay vòng. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 32 ngàn đồng/kg. 

“Tôi đang tập trung đầu tư trồng nhãn trái vụ theo hướng hữu cơ, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng và giá trị. Những năm trước, giá nhãn trái vụ có thời điểm 35-40 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu được khoảng 500 triệu đồng/vụ. Năm nay, sản lượng nhãn có thể đạt hơn 12 tấn, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng”-ông Tưởng cho hay.

Ngoài nguồn thu từ vườn nhãn hiện có, ông Tưởng còn ghép và chiết cây giống cung cấp ra thị trường khoảng 1.300 cây với giá 40-50 ngàn đồng/cây. 

Bên cạnh đó, ông cũng tư vấn và hỗ trợ cho người dân trong vùng kỹ thuật trồng nhãn trái vụ để cùng nhau phát triển kinh tế. Bà Lê Thị Quyền (thôn An Quý) chia sẻ: “Năm 2020, tôi cải tạo 1 ha đất vườn chuyển sang trồng hơn 280 cây nhãn. Hiện vườn nhãn Hương Chi sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến cho thu hoạch lứa trái đầu tiên vào năm sau”.

Hiện nay, huyện Đak Pơ có hơn 500 ha cây trồng ăn quả, trong đó có hơn 30 ha nhãn. Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng NNPTNT huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai)-cho hay: “Những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, na dai, dừa xiêm lùn, nhãn… Một số hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật trồng nhãn trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Nguyễn Diệp (danviet.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO