Ngoài nước lọc còn có 4 loại nước rất tốt cho người bệnh COVID-19 mà bạn chưa biết.
Khi mắc COVID-19, cơ thể thường phải đối mặt với các triệu chứng như sốt, nhiễm trùng, tiêu chảy… điều đó gây mất nước, mất chất điện giải vì vậy rất cần tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi, tránh biến chứng. Nước lọc là thức uống cần thiết cho cả người khỏe mạnh lẫn người mắc COVID-19. Tuy nhiên ngoài nước lọc còn có 4 loại nước rất tốt cho người bệnh.
4 loại đồ uống tốt cho F0, giúp phục hồi nhanh
1. Nước dừa
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội): Trong Đông y, nước dừa thuộc âm, có vị ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, làm mát cơ thể nhanh….
Nghiên cứu cho thấy nước dừa chứa lượng kali gấp 4 lần quả chuối, không chứa cholesterol hoặc chất béo, ít calo… vì thế đem lại tác dụng giải nhiệt, bù nước và cân bằng điện giải rất tốt, đặc biệt đem lại hiệu quả khi người bệnh mất nước do suy nhược, sốt.
Do vậy, nước dừa vừa có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lại là nước uống bổ dưỡng giàu vitamin và khoáng chất có thể bù nước và cân bằng điện giải cho cơ thể trong các trường hợp mất nước do suy nhược, sốt, tiêu chảy…
Uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải do nó chứa nhiều kali, natri và canxi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2 quả dừa. Tránh pha thêm đường vào nước dừa vì có thể cản trở khả năng miễn dịch. Có thể thêm vài lát gừng và 2-3g muối vào nước dừa để khử bớt tính hàn. Bệnh nhân lạnh nhiều, ho thở, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu, đường huyết cao, hư nhược, tiêu hóa kém… thì không nên uống nước dừa.
2. Nước mật ong ấm
Nước mật ong rất tốt cho sức khỏe, nó càng tốt hơn nếu kết hợp với gừng, quế, tỏi… Bởi cả mật ong lẫn gừng, quế, tỏi đều có chứađặc tính kháng khuẩn giúp tránh nhiễm trùng và các tế bào gây hại cho cơ thể.
Khi mật ong kết hợp cùng 1 trong những nguyên liệu trên sẽ tạo nên một thức uống chống dị ứng và chữa lành vết thương trên cơ thể.
Nếu không có, bạn cũng có thể uống mật ong pha với nước ấm. Tiêu thụ nước mật ong trước khi đi ngủ có thể cải thiện giấc ngủ của bạn khi bạn có COVID, và nó cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp cải thiện phản ứng miễn dịch.
3. Các loại sữa
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải (Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa), bệnh nhân COVID-19 nên tăng cường sử dụng sữa mỗi ngày, nên uống 2 cốc/ngày bởi sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi. Thay vì uống sữa, bạn cũng có thể ăn sữa chua hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.
4. Các loại nước sinh tố hoa quả
Bên cạnh việc cung cấp nước, những thức uống này còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài… để cung cấp lượng vitamin và khoáng chất là cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
3 loại đồ uống mà F0 cần tránh sử dụng
1. Rượu
Nhiều người cho rằng cồn có thể sát khuẩn nên việc uống rượu cũng có tác dụng diệt được SARS-CoV-2. Tuy nhiên theo ThS.BS. Lê Thị Hải, cồn muốn diệt được virus phải từ 60 đến 70 độ trở lên, nhưng chúng ta không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng suốt để diệt virus được, chưa kể khi đó virus đều đã ngấm vào trong tế bào.
Việc uống rượu bia khi đang mắc COVID-19 rất nguy hiểm, nó làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch suy yếu thì nguy cơ mắc COVID-19 tăng lên. Nếu mắc bệnh COVID-19 dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có thể dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, tuần hoàn, suy đa phủ tạng, có thể dẫn đến tử vong.
2. Thức uống giàu caffeine
Uống một lượng lớn cà phê, trà, thậm chí cả nước ngọt và nước tăng lực có chứa caffein đều đem lại nhiều tác hại cho cơ thể bệnh nhân COVID-19. Điều này có thể dẫn đến mất nước và có thể tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng khiến F0 đối mặt với các triệu chứng ngắn hạn như lo lắng, run, đánh trống ngực, tiêu chảy, đau đầu, khó tiêu, khó ngủ… cũng như các tác động lâu dài như mất ngủ, trào ngược axit dạ dày, đau nửa đầu, lo lắng, hội chứng ruột kích thích (IBS) và tăng huyết áp…
3. Đồ uống chứa đường
Đường hoặc đồ uống có đường ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể F0 trong quá trình hồi phục? Các loại đồ uống có đường như soda, nước hoa quả đóng gói, nước hoa quả cô đặc và si-rô… có hại cho cơ thể vì đây không phải là một chế độ ăn uống cân bằng. Lượng đường dư thừa trong máu của chúng ta ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch và làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của vi khuẩn và vi rút.
Khi cơ thể chứa quá nhiều đường, đặc biệt là đường tinh luyện như xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, có thể gây hại cho cơ thể dưới dạng đề kháng insulin. Tình trạng này đẩy hệ thống miễn dịch vào một vòng luẩn quẩn khi cơ thể phải sản xuất ngày càng nhiều insulin. Thay vì uống đồ uống chứa đường, bạn nên thay thế bằng nước lọc hay nước hoa quả tươi.
Đậu Đậu (Nhịp sống Việt)