Axit folic không chỉ là chất bổ sung dinh dưỡng quan trọng cho phụ nữ mang thai, nó còn là dưỡng chất có thể ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm ở người trưởng thành.
Khi nhắc tới axit folic, mọi người thường nghĩ tới một dưỡng chất phụ nữ cần tiêu thụ trong thai kỳ. Thế nhưng trên thực tế, nó có những tác dụng rất quan trọng trong việc điều trị và hỗ trợ một số căn bệnh liên quan tới vấn đề nhận thức ở người trưởng thành.
Tại sao axit folic lại quan trọng đối với cơ thể?
Tên khoa học của axit folic là vitamin B9, một loại vitamin tan trong nước. Tác dụng chính của nó là thúc đẩy sự phát triển và tăng sinh các tế bào trong cơ thể, giúp tăng cường trao đổi chất.
Axit folic là chất dinh dưỡng không thể thiếu cho sự phát triển của thai nhi. Dưỡng chất quan trọng này cũng rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.
Bên cạnh đó, việc bổ sung axit folic ở người trưởng thành còn giúp nâng cao thể lực, tăng cường trí nhớ, nâng cao khả năng miễn dịch, ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm, bệnh nan y, bệnh tim… Hơn nữa, axit folic còn giúp cơ thể sản xuất, bảo vệ các tế bào mới, ngăn ngừa sự thay đổi DNA dẫn tới nguy cơ ung thư. Axit folic còn được sử dụng như một loại thuốc để điều trị chứng thiếu axit folic hoặc bệnh thiếu máu.
Nếu nhận thấy cơ thể có một số triệu chứng như sau, chứng tỏ bạn đang thiếu hụt axit folic, cần bổ sung kịp thời.
– Các vấn đề về nhận thức như trầm cảm, khó tập trung, hay cáu kính, trí nhớ giảm sút.
– Cơ thể thường xuyên đau nhức không rõ nguyên nhân.
– Da nhợt nhạt, tái xanh.
– Có vấn đề về đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn kéo dài.
– Loét miệng, sưng lưỡi, vị giác kém.
Vì vậy, việc bổ sung axit folic rất cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh việc uống các viên nang, bạn có thể bổ sung thông qua một số loại rau củ tự nhiên.
4 loại rau rất giàu axit folic, khuyến khích nên ăn thường xuyên
1. Rau dền
Hàm lượng axit folic trong rau dền đứng đầu trong các loại rau, nó cũng rất giàu protein và khoáng chất, là nguồn cung cấp canxi, sắt chất lượng cao cho cơ thể.
Rau dền là một trong số các loại rau giàu axit folic.
Ước tính cứ 100g rau dền sẽ chứa 187mg canxi, gấp 3 lần sữa. Đặc biệt, hàm lượng axit folic trong rau dền đỏ cao tới 420mg trong 100g, rau dền xanh 330,6mg trong 100g.
Đồng thời, rau dền cũng rất giàu protein, axit linolenic, riboflavin, vitamin A, B, C và các chất dinh dưỡng khác, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
2. Cải bó xôi
Cải bó xôi có giá thành rẻ, vị ngon, rất giàu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Cải bó xôi có giá thành rẻ, vị ngon, rất giàu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Hàm lượng axit folic trong cải bó xôi chiếm 87,9mg trong 100g. Nó còn chứa nhiều loại vitamin, sắt, chất xơ dạng thô nên dễ dàng được cơ thể tiêu hóa và hấp thụ nhanh.
3. Rau cải cúc
Rau cải cúc (còn gọi là rau tần ô) có hàm lượng axit folic cao không kém cải bó xôi, chứa 114,3mg trong 100g. Ngoài ra, nó rất giàu kali, các nguyên tố vi lượng, vitamin E, tiêu thụ thường xuyên có tác dụng chống lão hóa hiệu quả, cải thiện hệ tiêu hóa, cân bằng huyết áp đối với người trung niên và cao tuổi.
Tần ô hay còn gọi là rau cải cúc, có hàm lượng axit folic cao không kém.
Ngoài các dưỡng chất tốt cho cơ thể, mùi thơm của tần ô còn giúp làm dịu thần kinh. Nếu bạn thường bị khó ngủ, hãy ăn tần ô thường xuyên để cải thiện tình trạng.
4. Bắp cải
Đừng nghĩ bắp cải rẻ mà đánh giá thấp về loại rau này. Trên thực tế, bắp cải có giá trị dinh dưỡng cao, rất giàu axit folic, chứa tới 240mg trong 100g. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C có trong bắp cải cao gấp đôi cải thảo.
Bắp cải chứa giá trị dinh dưỡng cao, nó rất giàu axit folic.
Bắp cải còn chứa nhiều loại vitamin tan trong nước như vitamin E, caroten, canxi, kali… Nếu phụ nữ có thai và trẻ em ăn với lượng vừa phải sẽ bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể.
Bên cạnh 4 loại rau trên, bạn có thể tiêu thụ một số loại thực phẩm chứa nhiều axit folic như măng tây, củ cải, bông cải xanh, rau diếp cá, trái cây (chuối, dưa gang, chanh, bưởi, cam), gan và thận bò.
Nguồn: Daydaynews, Sohu
Phan Hằng (Trí thức trẻ)