Dù 1 năm chỉ trồng 1 vụ lúa nếp Vải, nhưng bà con nông dân ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vẫn có thu nhập khá và cuộc sống ổn định.
Từ lâu, gạo nếp Vải đã trở thành đặc sản nức tiếng của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bởi hương vị thơm ngon và chất gạo dẻo quánh.
Lúa nếp Vải được trồng tập trung chủ yếu ở xã Ôn Lương với diện tích khoảng trên 60ha, trong đó có 15ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, nếp Vải ngon nhất phải kể đến lúa nếp Vải được trồng ở 2 xóm Bản Cái và Thâm Đông của xã Ôn Lương, bởi thổ nhưỡng nơi đây có sự khác biệt.
Lúa nếp Vải khi vào độ chín (Ảnh: Hà Thanh)
Chị Nguyễn Xuân Huế – Phó Giám đốc HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương cho biết, trước đây, gạo nếp Vải thường bị tư thương ép giá nên giá thành rất thấp.
Bởi vậy tháng 7/2020, chị và một số người khác đã quyết định thành lập HTX để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nếp Vải Ôn Lương.
Lúa nếp Vải được trồng tập trung chủ yếu tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hà Thanh)
Theo chị Huế, lúa nếp Vải là giống bản địa, có đặc tính cứng cây nên không bị đổ, kháng bệnh tốt, ít phải phun thuốc bảo vệ thực vật.
Mỗi năm, bà con chỉ trồng 1 vụ lúa nếp Vải vào tháng 6 và thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch.
So với một số giống lúa khác, lúa nếp Vải Ôn Lương cho năng suất cao hơn, trung bình đạt 1,8 – 2 tạ/sào. Do đó, ngày càng nhiều người lựa chọn giống lúa này để gieo cấy.
Những bông lúa nếp Vải căng tròn, mẩy vừa được gặt về (Ảnh: Hà Thanh)
Cũng theo chị Huế, từ sau khi thành lập HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương đến nay, thương hiệu gạo nếp Vải Ôn Lương ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận, mức tiêu thụ lớn và giá cả ổn định. Thậm chí, nhiều người còn mua gạo nếp Vải Ôn Lương mang sang nước ngoài để biếu, tặng.
Ngoài việc sản xuất, HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương còn bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân trong vùng với số lượng lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2020, HTX đã hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con trong vùng khoảng 360 tấn thóc tươi với giá dao động từ 9.000 – 9.500 đồng/kg.
Riêng đối với gạo nếp Vải, hiện nay HTX đang thu mua của bà con trong vùng với giá 25.000 đồng/kg và xuất bán ra thị trường với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Từ gạo nếp Vải, bà con đã chế biến ra nhiều loại đặc sản khác nhau như bánh dầy, cơm cháy…
Hiện nay, ngoài việc bán gạo, bà con trong vùng còn chế biến gạo nếp Vải thành nhiều sản phẩm khác để đưa ra thị trường tiêu thụ như xôi, bánh chưng, bánh giầy, bánh tro, cơm cháy, cốm…
Trong đó, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá trị cao nhất là cốm. Cốm được làm từ gạo nếp Vải Ôn Lương có vị ngọt, dẻo, màu xanh bắt mắt, do đó được rất nhiều khách hàng lựa chọn làm quà biếu tặng.
Đặc biệt, cốm từ nếp Vải Ôn Lương rất được ưa chuộng. (Ảnh: Hà Thanh)
Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương thường xuyên tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay, HTX đang đóng gạo nếp Vải thành các gói với nhiều trọng lượng khác nhau như 1kg, 2,5kg, 5kg hoặc 10kg.
Gạo nếp Vải Ôn Lương được đóng bao bì, mẫu mã đẹp mắt trước khi bán ra thị trường. (Ảnh: Hà Thanh)
Đến nay, lúa nếp Vải không chỉ được trồng ở xã Ôn Lương mà còn được bà con trồng ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Lương như: Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch… với diện tích trên 120ha.
Năm 2018, lúa nếp Vải Phú Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ trồng nếp Vải, nhiều hộ dân ở Phú Lương có thu nhập ổn định và khấm khá hơn trước.
Đến thời điểm này, gạo nếp Vải Ôn Lương đã đăng ký thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý. Hiện tại HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký tham gia sản phẩm OCOP trong năm 2022.
Hà Thanh – Kiều Hải (Báo Dân Việt)