Hiểm họa từ sông Hồng “nước trong vắt như pha lê” và lời thú nhận của Trung Quốc

10 năm trước, công việc đánh cá từng nuôi sống gia đình Nan và giúp các con đi học, nhưng giờ, “chẳng còn gì cả”, cô nói.

Hiểm họa từ sông Hồng "nước trong vắt như pha lê" và lời thú nhận của Trung Quốc

Tại đập của Trung Quốc, “nước hồ chứa trong như pha lê”

Mỗi ngày, chị Nguyen Thi Nan và chồng (ở Lào Cai) đều thả lưới xuống dòng sông Hồng. Họ hy vọng bắt được cá và tôm ở khúc sông này, nơi gần biên giới Việt – Trung.

“Gặp may thì chúng tôi bán được 50.000 đồng tôm (khoảng 2 USD), nếu không thì chẳng có gì”, Nan nói. Gia đình Nan bắt đầu đánh cá ở tỉnh biên giới Lào Cai từ 10 năm trước. Sinh kế này từng nuôi sống được gia đình Nan và giúp các con đi học, nhưng giờ, cô nói, “chẳng còn gì cả. Tôm, cá đều xuôi xuống dưới hạ du hết”.

Sông Hồng, được đặt tên theo màu phù sa trù phú, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Sông Đà, sông Lô và sông Thao là các nhánh sông chính và đều tụ hội ở sông Hồng, phía bắc thủ đô Hà Nội, và chảy vào vịnh Bắc Bộ.

Hiểm họa từ sông Hồng nước trong vắt như pha lê và lời thú nhận của Trung Quốc - Ảnh 1.

Lượng tôm, cá đã giảm mạnh kể từ khi Nguyen Thi Nan và gia đình bắt đầu đánh cá trên khúc sông này 10 năm trước. Ảnh: Linh Pham.

Như nhiều người dân địa phương khác, Nan tin rằng dòng chảy và các sinh vật sống ở sông đã bị thay đổi bởi các đập thủy điện lớn trên thượng nguồn ở Trung Quốc, với các tác động bất lợi cho cộng đồng và thiên nhiên.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu cơ chế hợp tác xuyên biên giới dọc sông Hồng tạo ra các nguy cơ như lũ lụt, làm thay đổi lượng phù sa, nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu và hệ sinh thái của sông.

Hiện có hơn 60 đập và hồ chứa ở lưu vực sông Hồng phía Trung Quốc, theo Chương trình Nghiên cứu CGIAR về Nước, Đất và Hệ sinh thái, NGO chuyên nghiên cứu về các vùng nước xuyên biên giới trong khu vực do Australia hỗ trợ.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Viện Cơ học và Môi trường, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ Việt Nam, giải thích, bằng cách giữ lại trầm tích ở các hồ chứa, các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn đã thay đổi hệ sinh thái của dòng sông. 

Con sông ở Lào Cai trong vắt vào mùa khô, vì phù sa đỏ không còn chảy xuống nữa. Ít phù sa hơn có nghĩa là nước chảy nhanh hơn, xói mòn lòng sông nhiều hơn và đất đai bạc màu.

Theo ông Lê Anh Đại, Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Bình Minh tại thành phố Lào Cai, tại đập Madushan của Trung Quốc, nơi gần biên giới nhất, “nước hồ chứa trong như pha lê”.

Một nghiên cứu năm 2017 do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc tài trợ cho thấy việc phát triển thủy điện đã làm thay đổi hệ sinh thái hạ lưu sông Hồng và “làm giảm sự ổn định” của dòng sông.

Bà Châu đã nhận thấy những thay đổi của dòng sông từ năm 2006, dựa trên các trạm dữ liệu của Việt Nam gần biên giới. Bà nói: “Trước đây, dòng chảy của sông lên xuống đều đặn. Sau năm 2006, nó bắt đầu biến động dữ dội hơn”.

Vào tháng 10/2006, ở tỉnh Lào Cai đã có hai người thiệt mạng khi mực nước dâng cao 2 mét một cách nhanh chóng và bất ngờ. Từ đó, Lào Cai thường xuyên xảy ra lũ bất ngờ: năm 2015 mực nước sông dâng cao 3m trong một thời gian ngắn.

Vào tháng 8 năm 2020, một trận lũ khác đe dọa Lào Cai. Tuy nhiên, thành phố đã nhận được một bức thư cảnh báo từ Trung Quốc nói rằng, do mưa lớn, đập Madushan cần phải mở cửa xả lũ.

Ông Nguyễn Doãn Trường, người Lào Cai, cho biết: “Ngày hôm đó báo động đã vang lên ở cả hai bên [biên giới]. “Từ sáng đến tối, loa phóng thanh phát liên tục.” Không có người nào thiệt mạng.

Nhiều nghiên cứu gần đây ở Việt Nam đã chỉ ra rằng các con đập trên sông Hồng và ba nhánh chính của nó đã làm giảm tổng lượng phù sa và tổng lượng nitơ hữu cơ từ năm 2010 đến năm 2015. Đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tình trạng tổng thể của con sông.

Hợp tác chia sẻ dữ liệu chưa được cải thiện – di sản từ lịch sử

Các trạm giám sát của Trung Quốc không chia sẻ bất kỳ dữ liệu hay quy trình vận hành các đập trên nên [Việt Nam] ở thế bị động, bà Châu nói.

Trung Quốc đã nâng cấp chương trình xây dựng thủy điện của nước này trong những năm 1980, thập niên mà quan hệ giữa 2 nước căng thẳng. Việc thiếu chia sẻ thông tin và hợp tác hạn chế vẫn chưa được cải thiện.

Trung Quốc từng chia sẻ dữ liệu hàng ngày từ 15 trạm khí tượng dọc theo sông Đà, sông Lô và sông Thao. “Sau đó, năm 1979 cuộc chiến tranh biên giới diễn ra và mọi việc tạm dừng. Chúng tôi không nhận được gì từ đó. Vào đúng lúc họ bắt đầu xây dựng thêm rất nhiều đập thủy điện”, bà Châu nói.

Bà làm việc ở Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn vào những năm 1970 và nhớ là nhận được các dữ liệu từ Trung Quốc về dòng chảy và lượng mưa.

Lũ lụt không phải là vấn đề duy nhất. “Vào mùa khô, chúng tôi cạn kiệt nước, Trung Quốc cũng cần tích trữ nước”, bà Châu giải thích. “Lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình [trên một nhánh sông Hồng] có lúc lên tới 140 mét khối/giây – thấp nhất trong vòng 100 năm qua”.

Việt Nam và Trung Quốc đã cố gắng đàm phán về các cách thức hợp tác tốt hơn để giải quyết các rủi ro. Năm 2009, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ chia sẻ dữ liệu mùa lũ. Trung Quốc đã chia sẻ dữ liệu dòng chảy từ 5 trạm khí tượng thủy văn dọc sông Đà và sông Thao. Đổi lại, Việt Nam chia sẻ dữ liệu từ 3 trạm ở Bằng Giang, Lạng Sơn và Văn Mịch.

Ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), cho rằng cần có một ủy ban song phương để chia sẻ thông tin. Điều này có thể tương tự như Ủy hội sông Mekong được thành lập năm 1995 để điều phối giữa Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. 

Đồng tình với ông Tứ, bà Châu cho rằng điều quan trọng là phải tăng cường phối hợp với Trung Quốc. “Ví dụ, nếu Trung Quốc chia sẻ với Việt Nam quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện sát biên giới, và thông báo trước khi nào cần mở cửa xả lũ, thì chúng tôi có thể dự đoán lượng nước xả xuống hạ du và giúp Việt Nam có các biện pháp phòng chống lũ lụt”.

Bài viết được lược dịch từ Third Pole, nền tảng thông tin phân tích chuyên về nguồn nước và sông ngòi, được Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung & Phát triển Vương quốc Anh và Mạng lưới báo chí Internews Earth hỗ trợ, thông qua khoản tài trợ từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida).

Minh Khôi (Báo Doanh nghiệp và tiếp thị)

ĐẶT HÀNG ZALO