Hòa Bình: Đặc sản tỏi tía trồng trong sương mù ở huyện Mai Châu có gì đặc biệt?

Với địa hình vùng núi cao, nhiệt độ không khí thấp và sương mù bao phủ …xã Thành Sơn (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) rất phù hợp để trồng tỏi tía – một trong những giống tỏi đặc sản của Việt Nam.

Tỏi tía Mai Châu đã được người dân trồng từ lâu đời tại xã vùng cao này và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chính thức cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tỏi tía Mai Châu” vào tháng 12/2020. 

Hòa Bình: Đặc sản tỏi tía trồng trong sương mù ở huyện Mai Châu có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện truy suất nguồn gốc đối với sản phẩm tỏi tại lễ công bố Chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tỏi tía Mai Châu”.

Nói đến tỏi tía Pù Bin, Nong Luông (nay thuộc xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) có lẽ không ai không biết. 

Những ngày giáp Tết, có dịp đi chợ phiên Mai Châu, du khách không thể bỏ qua những túm tỏi tía được buộc thành từng túm cao, cuống khô quắt nhưng củ mẩy và thơm nồng. 

Chị Trần Vân Anh, TP Hòa Bình chia sẻ: Mỗi lần lên Mai Châu tôi đều tìm mua tỏi tía bởi thích loại tỏi này tuy củ nhỏ nhưng vị rất thơm. Tỏi của bà con nông dân trồng tại vườn nhà đem bán nên rất yên tâm. Tôi thường mua về dùng như gia vị, cũng là một vị thuốc chữa cúm rất tốt.

Thực vậy, tỏi tía Mai Châu được xếp vào giống tỏi đặc sản của Việt Nam. Chất lượng củ tỏi tía không chỉ được khẳng định bởi “cảm nhận” của thực khách mà còn qua quá trình nghiên cứu khoa học. 

Đồng chí Trần Đình Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thông tin KH&CN (Sở KH&CN) cho biết: Tỏi tía Mai Châu là loại tỏi củ nhỏ, tép màu vàng, chứa rất nhiều tinh dầu, vị cay, thơm. 

Đặc biệt, tỏi tía Mai Châu có dược tính tốt, nhất là hàm lượng allicin cao từ 6,81 – 7,23mg/g. Đây là hoạt chất chỉ sản sinh sau khi cắt mỏng hoặc dập nát củ tỏi.  Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Một điều khác biệt nữa làm nên chất lượng tỏi tía Mai Châu chính là quy trình sản xuất củ tỏi. Mùa trồng tỏi bắt đầu từ tháng 10 năm trước và đến tháng 1 năm sau. 

Thời điểm này, địa bàn Pù Bin, Nong Luông mây mù luôn luôn bao phủ từ chiều hôm trước đến gần trưa hôm sau, nhiệt độ xuống thấp và điều đặc biệt là tất cả sản phẩm tỏi tía bán ra thị trường đều là tỏi một mùa. 

Lý giải điều này, đồng chí Hà Văn Diễn, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn cho biết: Do điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, tỏi tía Thành Sơn không để được lâu. Vì vậy, tất cả tỏi bán ra thị trường đều là tỏi mới, thu hoạch trong năm được bà con phơi sấy, bảo quản gác bếp. Tỏi chỉ tiêu thụ trong một thời gian ngắn và không phải lúc nào cũng có tỏi tía Mai Châu trên thị trường. Hiện nay, diện tích trồng tỏi tại xã Thành Sơn đạt hơn 10 ha. Nhiều hộ nông dân tại đây tiếp tục duy trì đặc sản tỏi tía theo phương pháp canh tác cổ truyền. 

Sản phẩm tỏi tía Mai Châu có chất lượng tốt và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Để xây dựng thương hiệu tỏi tía Mai Châu, UBND huyện đã phối hợp với Sở KH&CN xây dựng nhãn hiệu tập thể tỏi tía Mai Châu. 

Tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể tại Quyết định số 102266/QĐ-SHTT, ngày 3/12/2020. Qua đó, bước đầu khẳng định thương hiệu “Tỏi tía Mai Châu”, là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm ra thị trường.Theo đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh: Để bảo vệ sản phẩm tỏi tía, Sở KH&CN cũng đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (tem thông minh QR code) tỏi tía Mai Châu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng sẽ tạo điều kiện tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Ngành cũng đã phối hợp với các ngành chức năng bước đầu xây dựng thị trường và kênh phân phối tỏi tía Mai Châu tại TP Hòa Bình, đồng thời quảng bá tại các cửa hàng bán sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP tại TP Hòa Bình.

Hiện nay, UBND huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) cũng đang nghiên cứu để duy trì vùng trồng tỏi tía và tiếp tục quy hoạch vùng phát triển tỏi trong toàn vùng để tương xứng với tiềm năng. Đồng thời đã xây dựng phương án thiết thực hỗ trợ về giống, phân bón để nhân rộng vùng trồng tỏi.

Tuy nhiên, để cây tỏi tía thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần những chính sách nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, có cơ chế theo dõi và giám sát hỗ trợ để duy trì chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu đối với sản phẩm tỏi tía nói tiêng và các sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh nói chung.

Đinh Hòa (Báo Hòa Bình)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO