Quyết không giải cứu, dân Hải Dương đồng loạt làm việc chưa từng có

Không còn trông chờ vài giải cứu, quả vải Hải Dương lần đầu tiên sẽ bán trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử.

Nông dân học lên sàn

Để chuẩn bị cho mùa vải sắp tới, bà con nông dân Hải Dương đang tham gia khoá huấn luyện hướng dẫn truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây là việc chưa từng có với người dân nơi đây trước khi vào mỗi mùa vải.

Thông qua chương trình này, người nông dân sẽ được hướng dẫn để hiểu đúng để triển khai hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp và hợp tác xã từng bước tham gia hoạt động TMĐT thành công trên các sàn. Đây là hoạt đọng hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp, tập trung vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Trong tháng 5/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của Hải Dương cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến.

Quyết không giải cứu, dân Hải Dương đồng loạt làm việc chưa từng có

Chương trình Xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ vải thiều (Ảnh:CXTTM)

Năm nay là năm đầu tiên quả vải Hải Dương được bán trực tuyến qua các sàn TMĐT là Alibaba, Voso, Sendo và Lazada. Tỉnh này đang tiến hành những bước cần thiết để phấn đấu trước ngày 18/5 sẽ đưa 5-10 sản phẩm, gồm vải thiều và các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lên sàn TMĐT.

Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, từ trước đến nay, mặc dù sản phẩm nông nghiệp Hải Dương rất dồi dào, đa dạng và phong phú nhưng việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn vì chủ yếu vẫn qua các kênh truyền thống mà chưa phát huy được hiệu quả từ việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin.

Thông qua khóa huấn luyện này, ngành nông nghiệp mong muốn giúp các cá nhân, tổ chức nắm vững quy trình truy xuất nguồn gốc và quy trình giao dịch khi tham gia các sang thương mại điện tử, từ đó, mở rộng thị trường cho nông sản, giải quyết được những điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản Hải Dương.

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 nhưng Hải Dương đã có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn; trong đó, 23.000 tấn vải sớm và khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu. Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019. Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn.

Hiệu quả bán online

Đưa nông sản lên sàn TMĐT đã mang lại hiệu quả lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021, trong 10 ngày triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ Hải đương vào thời điểm cách ly, Cục Xúc tiến Thương mại đã đã hỗ trợ tiêu thụ 102 tấn nông sản của Hải Dương qua các kênh cả trực tiếp và qua sàn TMĐT. Cục đã phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Dương triển khai các hoạt động vừa đảm bảo an toàn mùa dịch, vừa đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Đầu tháng 3/2021, Cục Xúc tiến Thương mại và sàn TMĐT Sendo triển khai Chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho một kg nông sản, không giới hạn số lượng mua” tập trung cho địa bàn Hà Nội. Chương trình được triển khai thành công với 26 tấn nông sản gồm su hào, bắp cải và cà chua từ Hải Dương đã được tiêu thụ.

Quyết không giải cứu, dân Hải Dương đồng loạt làm việc chưa từng có

Nông dân học cách lên sàn TMĐT (Ảnh:CXTTM)

Thông qua chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, đã có 24 điểm bán được mở tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận phía Nam. Các điểm bán hàng này được mở tại các siêu thị, các khu chung cư, chợ đầu mối.

Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT cũng gặp phải khá nhiều thách thức, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua TMĐT.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử còn hạn chế, thiếu cán bộ hiểu về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, các quy trình quản lý kỹ thuật cần được nâng cao hơn nữa, nhận thức của người sản xuất về thị trường và các yêu cầu thực tế liên quan đến chất lượng cần tiếp tục được củng cố.

Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng TMĐT là việc doanh nghiệp có thể làm, tuy nhiên, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản các cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của doanh nghiệp, cách thức chăm sóc khách hàng và những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết và quản lý chất lượng sản phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ những nội dung này, việc kinh doanh thương mại điện tử mới có thể thành công.

Cục Xúc tiến Thương mại đã thiết lập Gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc.

Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và minh bạch thông tin về sản phẩm, cơ quan này từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.

Thư Kỳ (Báo Vietnamnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO