Nghề làm măng nứa tép theo phương pháp truyền thống đã được duy trì và phát triển hàng trăm năm ở Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Măng khô Mai Lạp được làm hoàn toàn thủ công
Cũng là sản phẩm măng nứa tép khô song nếu được ăn thử một lần sản phẩm măng của Mai Lạp, thực khách sẽ bị hấp dẫn ngay bởi sự thơm ngon đặc trưng mà không có loại măng ở nào có được.
Với ưu điểm sợi măng non, nhỏ, sản xuất thủ công, không sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong thực phẩm, sau khi phơi sấy và chế biến vẫn giữ được màu vàng và mùi thơm tự nhiên của măng. Vì vậy thương hiệu măng Mai Lạp trở thành sản phẩm luôn được các bà nội trợ yêu thích và khẳng định được giá trị trên thị trường nông sản.
Bà Nông Thị Hảo, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lâm sản phụ có 18 thành viên, cho biết: Mùa măng được thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 hàng năm. Nên cứ đến thời gian này là các chị em trong tổ lại tất bật đi thu gom măng nứa tép tươi, sơ chế, luộc, cắt và phơi sấy, đảo lật… cuối cùng ra được thành phẩm sản phẩm măng khô thơm ngon, an toàn, không tẩm ướp hóa chất trong quá trình chế biến cũng như bảo quản. Vì vậy nên những năm gần đây với nhu cầu của thị trường măng an toàn được chú trọng nên sản lượng măng của tổ hợp tác làm đến đâu bán hết đến đó.
Công việc tuy tỉ mỉ, vất vả song nghề làm măng nơi đây đã gắn bó như người bạn sẻ chia miếng cơm manh áo, trở thành một trong những nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Với thu nhập từ măng đem lại, nhiều hộ đã tăng thu nhập cải thiện cuộc sống ngày càng tốt hơn, số hộ dân trong xã bớt khó khăn hơn cũng là niềm phấn khởi của bà con nhân dân trong xã nói chung và của chính quyền xã Mai Lạp nói riêng.
Trong quá trình tìm hiểu sản phẩm măng khô tại xã Mai Lạp. Chúng tôi được bà Hảo giới thiệu gặp một đơn vị nhiều năm bao tiêu sản phẩm măng khô cho bà con Mai Lạp. Đó là cơ sở Huyền Hân có địa chỉ tại phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn. Chủ cơ sở này cho biết đơn vị chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Kạn để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khắp miền bắc như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên và nhiều nhất là Hà Nội. Trong đó sản phẩm măng khô Mai Lạp là không thể thiếu trong các đơn hàng. Giá có thể cao hơn 1 chút các sản phẩm ở nơi khác, màu sẫm hơn do làm thủ công và không dùng hóa chất. Nhưng lại rất được ưa chuộng vì nổi tiếng thơm ngon, chính phục được khẩu vị của những người sành ăn.
Măng khô Mai Lạp được giới thiệu quảng bá tại Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017. (ảnh Doanh nghiệp Huyền Hân cung cấp)
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lương Thế Bích – Chủ tịch UBND xã Mai Lạp cho biết: Nghề làm măng truyền thống là một nghề quan trọng đối với việc tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã, góp phần giúp bà con vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên có một điều ông Bích rất trăn trở nhưng vượt quá khả năng chuyên môn của xã. Đó là việc trong quá trình khai thác của bà con, chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống và chưa có những biện pháp tác động tích cực trong việc trả lại dinh dưỡng cho rừng. Chính vì vậy nếu kéo dài có thể sẽ làm cạn kiệt nguồn măng nguyên liệu tại địa phương. Vì vậy trong thời gian tới, xã mong muốn được cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, nhân giống mở rộng vùng sản xuất. Góp phần tích cực phát huy nghề làm măng khô đặc sản truyền thống của địa phương.
TN (Kiến thức gia đình số 35)