[ad_1]
Ninh ThuậnTừ ba bò tót F1 và một F2 ban đầu được ông Nguyễn Văn Chuẩn nuôi dưỡng, đến nay phát triển thành đàn 17 con.
Trại chăn nuôi bò của ông Chuẩn, 50 tuổi, thôn Bạc Rây, xã Phước Bình nằm trong vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái). Chiều 2/10, ông lùa đàn bò tót từ chân núi về rẫy sau một ngày thả chăn tự nhiên. Nắng dần qua đỉnh núi, đàn bò no cỏ men theo triền dốc, về rẫy cùng chủ trại.
Vừa tới ngõ rào, chúng bất ngờ khựng lại. Con đực to nhất nhảy đổng lên, húc húc cặp sừng bóng loáng khi thấy người lạ. Những con đi cùng cũng gương đôi sừng phòng thủ. “Ê Min! Ê Min!”, chủ trại gắt giọng để ngăn chúng nổi loạn.
Ông Chuẩn cho biết trong khu đất rẫy 2 ha này, gia đình ông đang nuôi hơn 40 con bò, vừa bò nhà vừa bò tót lai. Trong đó có đến 17 bò tót lai thuộc ba thế hệ F1, F2 và F3. Đàn bò tót được buộc ở bãi đất riêng, cách chuồng bò nhà 200 m vì chúng dữ hơn bò nhà. Thân hình những con trưởng thành F1 vạm vỡ, bộ lông đen mướt, giương đôi sừng uy nghi, bệ vệ.
Chỉ tay về phía con đực hung hãn lúc nãy, ông Chuẩn cho biết đó là con lớn nhất trong đàn, nặng hơn 700 kg, là con đực thứ hai sau kết quả những cuộc “giao duyên” kỳ lạ giữa bò tót rừng và bò nhà hơn 10 năm trước. Còn con đực đầu tiên ông đã bán cho một người ở Củ Chi, TP HCM được 60 triệu đồng.
Ông Chuẩn nhớ lại, khoảng 2009, một con bò rừng liên tục về rẫy ông, húc bay bò đực, rồi giao phối với bò cái nhà. Bò cái có chửa, 9 tháng sau, sinh ra một bê đực lông đen như bò tót cha. Năm sau, bò mẹ này lại tiếp tục đẻ tiếp một bò tót đực F1 khác. Những con bò cái khác của ông Chuẩn và dân trong làng cũng được phát hiện sinh ra bò tót con.
Ông Chuẩn cho biết, nhà ông được “lộc rừng” tặng đến 9 con bò tót lai F1. Ông bán 4 con (2 đực, 2 cái) cho Vườn quốc gia Phước Bình và 4 con (2 đực, 2 cái) cho người ngoài tỉnh với giá 30-60 triệu đồng một con. Còn một con đực F1, ông giữ lại.
Trong số 4 con trước khi bán đi nơi khác, một con cái F1 sinh ra một con cái F2. Con F2 này được ông giữ lại nuôi. Rồi ông mua thêm hai con cái F1 khác của người trong làng đưa về, thành ra đàn bò lai bắt đầu gầy dựng lại có tất cả 4 con (3 F1 và 1 F2).
Chín năm qua, con đực F1 trong đàn đã phối với các bò cái nhà sinh ra được 7 con đực F2. Còn hai con cái F1, chưa rõ giao phối với bò đực bò nhà hay bò đực F1, đã sinh ra 3 con đực F2. Còn con cái F2 cũng sinh ra được 3 con đực F3. “Rất lạ, 13 con sinh ra sau này đều là đực hết”, ông Chuẩn nói.
Ông Chuẩn cho rằng bò tót lai cũng dễ nuôi vì chúng ăn tạp. Bất cứ thứ cỏ cây gì đều gặm được. Gần chục năm qua, ông tận dụng các đồng cỏ tự nhiên trong làng, gần bìa rừng để chăn thả, nên ít tốn chi phí. Mùa khô, khi cỏ tự nhiên ít đi, ông mới bổ sung thêm cỏ tươi do nhà trồng.
Cũng từ thực tế, ông Chuẩn nhận thấy bò tót lai có sức đề kháng hơn hẳn bò nhà. Gần như từ lúc nuôi dưỡng đến nay, chưa có con nào bị bệnh dù thả giữa mưa giữa nắng. Gia đình ông chưa hề tốn mũi thuốc nào cho chúng.
Đàn bò này chỉ khó ở việc, chúng hay ủi phá vườn rẫy, nhất là khi bò đực trông thấy các bò cái nhà đang kỳ động dục. Ngoài ra, chúng còn thích về rừng do còn tính hoang dã. “Thế nên, mỗi lần chăn thả, tôi đều xỏ mũi buộc dây thật chặt vào gốc cây giữa đồng”, ông Chuẩn nói nếu quản lý tốt cũng không hề hấn gì.
Xuất hiện ở thôn Bạc Rây vào năm 2009 đến khi chết năm 2014, bò tót đực Vườn quốc gia Phước Bình đã giao phối với các bò nhà sinh ra khoảng 20 bò lai.
Ngoài đàn bò nhà ông Chuẩn, còn một con đực F1 của nhà ông Nguyễn Đình Tích (kề rẫy ông Chuẩn) và khoảng 6 con F1 khác của người dân trong làng bán đi Điện Biên, Lạng Sơn, TP HCM… chưa rõ có sinh sản hay không, vì người dân ở đây không giữ liên lạc với những người mua bò. Như vậy, con bò tót đực Vườn quốc gia Phước Bình đã để lại ít nhất 34 “hậu duệ”.
Theo ông Chuẩn, so với con bê sau một năm nuôi có giá hơn chục triệu đồng, bò tót lai giá cao gấp 4-5 lần, giá trị kinh tế rất cao. “Tôi sẽ tiếp tục phát triển tổng đàn lên gấp đôi, gấp ba… để tiến tới bán bò thịt và bò giống”, ông Chuẩn nói.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình xác nhận, đàn bò ông Chuẩn có nhiều con được bò đực rừng về giao phối nên sinh ra nhiều con lại F1. Vườn có mua của ông 4 con của ông. Ngoài ra, ông còn bán một số cho người ngoài tỉnh. Ông Chuẩn còn giữ lại một vài con, hiện nay đã sinh thêm nhiều bò con có hình thể giống với bò tót.
Việt Quốc
Nguồn