BAO BÌ NHỰA NÀO AN TOÀN CHO THỰC PHẨM?

Hộp đựng thực phẩm bằng nhựa nào an toàn

 Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sử dụng rất nhiều bao bì nhựa tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn uống của mình. Chai nước Lavie trong phòng họp, cốc trà đá vỉa hè, hộp sữa chua Vinamilk, và có khi là suất cơm hộp mua vội đựng trong hộp xốp.

   Hầu hết chúng ta mới chỉ chú ý đến việc các bao bì này có đảm bảo sạch không (dù cũng chỉ bằng mắt thường), mà chưa quan tâm đến việc chúng ta có thể bị phơi nhiễm hóa chất từ các đồ nhựa đó. Bạn có từng đưa những chiếc đĩa nhựa đựng thức ăn vào lò vi sóng? Bạn có để ý chúng làm từ vật liệu gì? Có khi trên chiếc đĩa đó không ghi chú gì, và chúng ta bó tay? Hoặc nó có biểu tượng 3 mũi tên xoáy tạo thành hình tam giác, ở giữa đánh số 4, nhưng bạn không hiểu nó có ý nghĩa gì? Hãy cùng tìm hiểu 1 chút nhé!

    Biểu tượng tam giác với con số đó là mã nhận dạng nhựa (Resin Identification Code). Cũng gọi là mã tái chế (Recycling Code), vì nó được tạo ra với mục đích hỗ trợ việc phân loại thu gom nhựa để tái chế. Để ý trên bao bì nhựa dành cho thực phẩm, các bạn có thể gặp 7 mã như dưới đây:

Resin Identification Code

#1: PET, nhẹ và khá cứng, thường được sử dụng làm chai đồ uống 1 lần, chai đựng nước sốt cà chua, salad trộn, vitamin, dầu thực vật…

Chai nhựa PET

#2: HDPE, hay PE mật độ cao, là một loại nhựa cứng, mờ đục, nhẹ, nhưng rất bền. Thường được sử dụng làm bình đựng nước trái cây, bình sữa, chai bơ (dạng bóp), đựng giấm, túi đựng hàng tạp hóa…

Bình sữa bằng nhựa HDPE
https://www.wabel.com/p/dana_dairy_group/25159/uht_milk3

#3: PVC, là loại nhựa có độ bền kháng sinh học và hóa học tốt. Hai đặc điểm này giúp bao bì duy trì tính toàn vẹn của các sản phẩm bên trong, bao gồm cả thuốc. PVC được sử dụng làm bao bì thuốc, làm màng co cho nhiều loại sản phẩm, làm bao bì vỉ kiểu kẹo bạc hà, kẹo cao su, màng bọc thực phẩm…

Màng bọc thực phẩm

#4: LDPE, hay PE mật độ thấp, là một loại nhựa có độ dẻo cao, có khả năng phục hồi nhiệt tốt. Thường được sử dụng làm túi ni lông, hay tráng phủ trong các loại cốc giấy, màng bọc thực phẩm…

Túi đựng thực phẩm bằng LDPE

#5: PP, hơi cứng và ít giòn hơn một số loại nhựa khác, thường là mờ hoặc đục. Nhựa này có điểm nóng chảy cao, làm cho nó đặc biệt thích hợp để sử dụng trong lò vi sóng hoặc làm sạch trong máy rửa chén. PP cũng thường được sử dụng làm hộp đựng sữa chua, xi-rô, phô mai kem, các chai thuốc theo đơn.

Hộp nhựa đựng cơm bằng PP

#6: PS không màu, cứng, phục hồi nhiệt kém, có thể được tạo thành dạng foam (xốp). Trong bao bì thực phẩm, PS thường được sử dụng để làm cốc nhựa, khay đựng đồ nguội và bánh, hộp đựng thức ăn nhanh, đựng trứng… Chúng ta cũng hay gặp khay PSP, đó chính là PS dạng foam tấm.

Hộp đựng thức ăn bằng PS dạng foam

#7: Nhựa khác (khác với sáu loại nhựa được liệt kê ở trên), ví dụ như polycarbonate (PC), melamine, hoặc polylactide (PLA, một loại nhựa phân hủy sinh học). #7 thường gặp ở bình đựng nước cỡ lớn, chai đựng nước ép cam quýt, nước sốt cà chua, hộp đựng dạng vỏ sò.

Hộp đựng thực phẩm bằng nhựa PC

Vậy bao bì nhựa nào là an toàn để chứa thực phẩm? 

   Câu trả lời là cả 7 loại đều được phép sử dụng, theo FDA (1), với điều kiện chúng ta hiểu đúng và rõ về chúng. Theo lời Daniel Schmitt, phó giáo sư công nghệ nhựa tại đại học Massachusetts Lowell, Hoa kỳ, về khía cạnh rò rỉ hóa chất, bao bì chứa thực phẩm bằng nhựa với mã #2 (HDPE), #4 (LDPE) hoặc #5 (PP) là an toàn nhất để sử dụng. Những vật liệu này về cơ bản không bao gồm các chất hóa dẻo, vốn có thể xâm nhiễm vào thức ăn khi các đồ chứa này bị hâm nóng trong lò vi sóng, hay được rửa trong các máy rửa bát, và thậm chí là để dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

   Đồ chứa bằng nhựa với mã #1 (PET), #3 (PVC), #6 (PS) và #7 (nhựa khác) dễ bị rò rỉ hóa chất, do vậy ít phù hợp để tái sử dụng. PET thì an toàn hơn so với PS, PVC, PS. Dù vậy, nhựa PET bao gồm antimon, liên quan tới chứng tiêu chảy, gây đau cơ và khớp, chứng thiếu máu, và các vấn đề về tim. PVC thì chứa Phthalates và PC chứa BPA (2), là các chất gây quan ngại, do đặc tính phá vỡ nội tiết của chúng. PS được sản xuất từ monomer styrene, một chất có thể gây ung thư ở người. Đặc biệt là PS dạng foam, có cấu trúc 95% là rỗng, nên khi gặp nhiệt, các chất phụ gia, các thành phần độc hại dễ dàng thoát ra khỏi bề mặt nhựa và thâm nhiễm vào thực phẩm.

    Do vậy, chúng ta tuyệt đối không đưa đồ nhựa PVC, PC, PS chứa thức ăn vào lò vi sóng. Trừ phi các đồ chứa này được dán nhãn “Microwave-safe”, và bạn có đủ tin tưởng vào nhà sản xuất đồ nhựa đó. Không nên dùng chúng đựng đồ ăn nóng, nước nóng, cho vào máy rửa bát, hay để dưới ánh nắng mặt trời. Cũng không nên sử dụng các đồ chứa này để chứa các thực phẩm có nhiều chất béo, có tính acid. Với tất cả các đồ chứa bằng nhựa tái sử dụng, cần tránh gây trầy xước, đổi màu. Riêng với nhóm #7, nên lựa chọn loại ghi rõ BPA-free. Một khuyến nghị khác khi tái sử dụng đồ chứa bằng nhựa là nên dùng để chứa những thực phẩm có cùng tính acid, tính đường, tính béo, hay tính cồn như các thực phẩm mà chúng đã chứa lần đầu.

BPA free

Một cách đơn giản hơn, và thân thiện môi trường hơn, chúng ta có thể sử dụng các bao bì chứa bằng nhựa có nguồn gốc sinh khối, có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn. Các bạn có thể tham khảo trang Sản phẩm hoặc liên hệ trực tiếp với Hapobe.

Nguồn: hapobe

Chú thích:

(1) FDA: Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kì

(2) Tham khảo thêm về BPA tại: Cần phải viết bài viết này

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO