Nhà vườn sầu riêng mất ngủ vì lo đầu ra

Nông dân trồng sầu riêng tại tỉnh Đăk Lăk đang lo lắng mất ăn, mất ngủ vì hàng trăm nghìn tấn sầu riêng chưa thể tiêu thụ do dịch Covid-19.

Các thương lái thu mua số lượng sầu riêng nhỏ giọt vì không thể lưu thông hành hóa. Ảnh: Quang Yên.

Các thương lái thu mua số lượng sầu riêng nhỏ giọt vì không thể lưu thông hành hóa. Ảnh: Quang Yên.

Giá rớt quá nửa

Huyện Krông Pắk được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đăk Lăk, với 3.407ha, trong đó diện tích trong giai đoạn kinh doanh là 2.500ha, tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn.

Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị của sầu riêng đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị toàn ngành trồng trọt của huyện. Tuy nhiên, năm nay vụ thu hoạch rơi trúng đợt dịch Covid-19 đang bùng phát nên việc tiêu thụ sản phẩm ra bên ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Tiến Tài (ngụ xã Ea Phê, Krông Pắk) cho biết, gia đình có hơn 4 tấn sầu riêng Ri6 đến vụ thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra.

“Giá sầu riêng rớt thảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng có kế hoạch giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm để mong lấy lại vốn”, ông Tài nói.

Nhưng địa phương không thực hiện Chỉ thị 16, người dân hái mang đến vựa bán. Ảnh: Quang Yên.

Nhưng địa phương không thực hiện Chỉ thị 16, người dân hái mang đến vựa bán. Ảnh: Quang Yên.

Một tiểu thương thu mua sầu riêng tại chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), cho biết, sầu riêng đến thời điểm thu hoạch nhưng thương lái không dám gom hàng.

“Giá sầu riêng xuống thấp nhưng hiện dịch diễn biến phức tạp nên việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Hôm trước tôi mới mua hơn 2 tấn sầu riêng để gửi đi cho khách miền Trung nhưng ảnh hưởng của dịch, sầu đến trễ nên bị hư hơn nửa. Nhiều tấn sầu không gửi đi được, quả nứt hư hỏng”, tiểu thương này nói.

Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ huyện Cư Kuin, Đăk Lăk), cho biết, hiện nay giá sầu riêng hiện nay thấp hơn năm ngoái từ 2-3 lần. Cụ thế Ri6, Dona đầu năm thương lái vào vườn đặt cọc 40.000 đồng/kg nhưng không nông dân nào dám nhận tiền.

“Hiện nay giá sầu riêng Ri6 loại tốt nhất chỉ 15.000 đồng/kg nhưng người dân phải cắt đưa ra chốt kiểm dịch để bán cho thương lái. Tuy nhiên các thương lái chỉ mua với số lượng ít và rất nhỏ giọt. Hiện nông dân mong bán được bao nhiêu bán để bù lại tiền phân, công chăm sóc”, ông Nam nói.

Ông Y H’Rah đứng ngồi không yên vì đến thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Ảnh: Quang Yên.

Ông Y H’Rah đứng ngồi không yên vì đến thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, gia đình ông ở  Y H’Rah Ê Ban (ngụ xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) có 100 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê cũng đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Mấy ngày nay gia đình ông Y H’Rah đứng ngồi không yên vì trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thương lái ngại thu mua.

“Để có vườn sầu riêng đạt năng suất như năm nay, gia đình ông đã đi vay mượn lãi ở bên ngoài để đầu tư, chăm sóc. Nếu sầu riêng không tiêu thụ được, gia đình ông chưa biết xoay sở ra sao”, ông Y H’Rah lo lắng.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, toàn tỉnh có 12.224 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho sản phẩm 5.216ha, sản lượng 103.209 tấn. Cây sầu riêng được trồng khá phổ biến ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar…

Thương lái ‘tắc’ ở Buôn Ma Thuột

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch hiệp hội trái cây Đăk Lăk cho biết, các thương lái đang tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột nhiều, nhưng do địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên họ chưa thể đến nhà người dân để thu mua sầu riêng.

Các tiểu thương tại chợ Tân An, TP Buôn Ma Thuột không thể gửi hàng cho khách vì ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Quang Yên.

Các tiểu thương tại chợ Tân An, TP Buôn Ma Thuột không thể gửi hàng cho khách vì ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Sơn, hiện giá Ri6 thấp hơn một nửa so với cùng kỳ. Còn đối với sầu riêng truyền thống của địa phương không thể tiêu thụ được.

“Vừa qua chúng tôi có liên hệ với Hiệp hội bánh Pía Sóc Trăng để tiêu thụ sầu riêng như họ cũng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên hàng không về được. “Hiện có một số nhà máy họ thu mua về bóc tách lấy cơm cấp đông rồi xuất khẩu nhưng số lượng rất nhỏ giọt”, ông Sơn nói.

Chủ tịch hiệp hội trái cây Đăk Lăk cho biết, trước đây thị trường tiêu thụ sầu riêng của Đắk Lắk phần lớn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc càng kiểm soát chặt hơn quy trình nhập khẩu nông sản nên tình hình xuất khẩu sầu riêng của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Số lượng sầu riêng nhiều nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Số lượng sầu riêng nhiều nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

“Đăk Lăk lại không có kho cấp đông đủ lớn để dự trữ, bảo quản sản phẩm hỗ trợ cho nông dân. Hiện sầu riêng của bà con rụng nhiều nhưng không ai mua. Hội cũng đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng cho nông dân và đang chờ phía Sở phản hồi”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pắk thông tin, trước nỗi lo của bà con nông dân, địa phương đã tổng hợp diện tích và sản lượng sầu riêng đề xuất với Sở Công thương, Sở NN-PTNT xây dựng giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.

Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương cũng đang rất cần sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương về vấn đề xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sầu riêng Krông Pắk để khi thị trường có nhiều biến động sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn được duy trì ổn định. Đây là giải pháp ứng phó với những biến động của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Còn theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, ngay từ đầu vụ thu hoạch, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 và tổng hợp các số liệu về sản lượng các nông sản chính cần kết nối tiêu thụ để có phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, Sở đã yêu cầu UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản của địa phương có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng.

Đồng thời, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.

Quang Yên (Báo Nông nghiệp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO