Người Nhật ‘ăn bằng mắt’, trọng chữ tín và rất ‘chảnh’

‘Trong các cái khó thì khó nhất là người tiêu dùng của Nhật rất khó tính và rất chảnh’, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.

Đại sứ Vũ Hồng Nam quảng bá quả vải Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam quảng bá quả vải Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Nền tảng thuận lợi và sự háo hức đón nhận nông sản Việt

Thưa ông, hiện nay mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam được người Nhật Bản đón nhận như thế nào?

Hai nước Việt Nam và Nhật Bản ở vào hai khu vực khí hậu khác nhau. Nhật Bản có khí hậu ôn đới, do đó nhiều loại hoa quả của Nhật được người Việt Nam ưa chuộng như táo, lê, nho, dưa, cam, quýt.

Ngược lại, Việt Nam có nhiều loại hoa quả nông sản nhiệt đới mà các bạn Nhật rất háo hức đón nhận. Hiện nay có xoài, thanh long, sầu riêng, chuối, vải, hải sản có tôm, cá, ngao… đặc điểm của hàng hóa có tính bổ trợ. Mặt hàng thủy – hải sản cũng vậy.

Con tôm Việt Nam đã nổi tiếng là nguyên liệu ngon, không thể thiếu trong các nhà hàng, trong các cửa hàng tiện lợi, đồ ăn nhanh và trong tủ lạnh gia định của các chị em thích nội trợ. Tôi thích cái anh có và có cái anh cần – đó là đặc tính nổi bật của quan hệ thương mại hàng hóa nông sản, thủy hải sản giữa hai nước. Đây chính là lợi thế rất lớn cho hoa quả cũng như hàng thủy – hải sản Việt Nam. 

Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, mức tiêu thụ hàng nông, thủy sản Việt Nam của người tiêu dùng Nhật Bản không hề bị ảnh hưởng. Ta xuất khẩu tổng cộng 1,8 tỷ USD hàng nông, thủy sản sang Nhật Bản, chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật (19,3 tỷ USD).

Trong số này, xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, cà phê 180,5 triệu USD và hàng rau quả, 127,7 triệu USD. Đà tăng trưởng được tiếp tục trong 4 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật tăng 2,7%, đạt 6,6 tỷ USD.

Trong số này, nhóm hàng nông, thủy sản tiếp tục tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 576 triệu USD, dẫn đầu vẫn là hàng thủy sản, cà phê và rau quả.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima 1. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima 1. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Đâu là nền tảng thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản?

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây là thị trường lớn với gần 130 triệu dân và gần 10 triệu người từ các nước châu Á hiện đang làm việc, học tập tại Nhật Bản. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng nông, thủy sản có tính nhiệt đới cao.

Bên cạnh đó, ta có lợi thế về khoảng cách và tuyến đường giao thông thuận tiện cả hàng  hải và hàng không. Rất nhiều mặt hàng nông thủy, sản thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hiện nay như thủy sản tươi sống và chế biến (cá, tôm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ…) thịt và các sản phẩm từ thịt, ngũ cốc và sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, các mặt hàng rau, củ, hoa quả đều là những mặt hàng mà Việt Nam ta có lợi thế cạnh tranh và có khả năng cung ứng lớn cho thị trường Nhật Bản.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, trong đó có hàng nông sản còn được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà hai nước đã ký kết và tham gia gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Việc tham gia các FTA này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh tăng trưởng thương mại song phương, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Điểm cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, với gần nửa triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản trong hơn 10 năm qua, họ đã trưởng thành, có kiến thức, hiểu biết về văn hóa hai nước.

Họ chính là lực lượng nòng cốt của các công ty sản xuất hàng hóa cũng như các công ty xuất nhập khẩu các mặt hàng giữa hai nước.

Quảng bá hàng Việt Nam tại Triển lãm FoodEX 2021 tổ chức tại Tỉnh Chiba tháng 3/2021. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Quảng bá hàng Việt Nam tại Triển lãm FoodEX 2021 tổ chức tại Tỉnh Chiba tháng 3/2021. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tiềm năng nông sản Việt tại Nhật Bản như thế nào, nhất là với các nông sản là đặc sản vùng miền của Việt Nam?

Thời gian gần đây, Nhật Bản luôn giữ vị trí là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.

Tôi ví dụ, trong 4 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản chi 237 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và trong số này, 22,8 tỷ USD là để chi cho nhập khẩu hàng nông, thủy sản. Trong khi đó, xuất khẩu nông sản của ta sang Nhật 4 tháng đầu năm mới đạt 576 triệu USD, chỉ bằng 2,5% nhu cầu của Nhật.

Điều đáng mừng, thị phần xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu, đạt mức tăng trưởng 0,1% trong năm 2020 và 1,4% trong 4 tháng đầu năm nay.

Chúng ta có rất nhiều nông sản là đặc sản vùng miền, như các loại trái cây nhiệt đới tươi, ngon hơn hẳn các nước khác. Còn rất nhiều loại cây trái như cam, chuối bưởi, nhãn, dứa, chôm chôm, măng cụt… là các loại vật phẩm mà các bạn Nhật rất thích thưởng thức và đang mong chờ có mặt ở các kệ hàng Nhật Bản. Cà phê đang tự tin chiếm lĩnh thị trường, nhất là các chuỗi siêu thị tiện lợi, với nét đặc trưng thơm, đậm mà không có cà phê nước nào sánh được.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật Bản rất “chảnh”

Nhật Bản là thị trường nổi tiếng “khó tính”. Sản phẩm nông sản muốn vào Nhật Bản, phải tuân thủ “luật chơi” gì? Muốn tháo gỡ điều đó, bắt đầu từ đâu?

Tôi chia sẻ câu hỏi của phóng viên và nói thêm, thị trường Nhật Bản không phải khó mà là rất khó. Trong các cái khó thì khó nhất là người tiêu dùng của Nhật rất khó tính và rất “chảnh”. Quả xoài, chuối đang gặp khó bởi ta chưa có giải pháp để bảo quản lâu dài. Chỉ một vết đốm đen trên vỏ là hoa quả sẽ bị đưa ra khỏi kệ hàng.

Trong khi đó, người tiêu dùng nước ta lại có sở thích ngược lại, quả chuối phải “chín trứng cuốc”, tới mức vỏ có đốm thì mới được coi là ngon.

Do vậy, điều khó khăn là làm sao để thu hẹp được nhận thức về đánh giá thế nào là hoa quả chất lượng cao.

Hay nói cách khác, hoa quả ta thấy ngon, thấy thích thôi chưa hội đủ điều kiện để xuất khẩu. Điều kiện cần và đủ cho xuất  khẩu là sản phẩm phải vừa lòng khách hàng nơi hàng hóa đó muốn đến.

Thứ hai, bên cạnh các khó khăn về chính sách, hàng rào thuế quan nhập khẩu hay hạn ngạch nhập khẩu, khó khăn hơn cả và sẽ tồn tại mãi mãi trong xuất khẩu hàng nông sản sang Nhật là các quy định phi thuế quan. 

Nhật Bản là thị trường nổi tiếng về độ khắt khe đối với các các tiêu chuẩn về chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về kiểm dịch thực vật, hay dư lượng hóa chất nông nghiệp được quy định theo chuẩn an toàn. Khó như vậy, nhưng nếu hàng nông sản của ta vượt qua được thì thị trường khác sẽ dễ dàng vượt qua.

Lấy ví dụ vừa đây thôi, để quả vải tươi của Việt Nam có mặt trên các kệ tại các siêu thị trên khắp Nhật Bản vào tháng 6/2020, các cơ quan chức năng hai bên đã phải trải qua quá trình đàm phán nỗ lực hơn 5 năm để giữa tháng 12/2019, Bộ Nông, lâm ngư nghiệp Nhật Bản chính thức thông báo mở cửa cho quả vải Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật nhưng kèm theo một loạt yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật như vải phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Hay các lô vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng đúng quy cách, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật hai bên và phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi Cục Bảo vệ thực vật.

Một điều nữa mà tôi nhận thấy là trong kinh doanh, người Nhật đặc biệt coi trọng chữ “tín”. Chữ tín ở đây bao gồm cả đối với công ty nhập khẩu, công ty phân phối, và chữ tín đối với khách hàng tiêu dùng. 

Sự cẩn trọng của người Nhật sẽ là thử thách theo mãi cho hàng nông sản Việt Nam. Do vậy, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát và tuyên truyền nhắc nhở cho người sản xuất sẽ không bao giờ thừa đối với mặt hàng nông sản, thủy – hải sản.

Vì vậy, để tiếp tục đưa được nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tiêu chuẩn cao Nhật Bản, điều quan trọng nhất mà chúng ta phải tập trung là nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP, JGAP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn khác của Nhật Bản một cách nghiêm túc, liên tục, đáp ứng các quy định chung về điều kiện trồng trọt, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các công nghệ xử lý và bảo quản sau thu hoạch, quy cách đóng gói bao bì sản phẩm, kiểm dịch thực vật… bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn, đáp ứng các chứng nhận về tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam và Thống đốc tỉnh Kagoshima trao đổi trực tuyến tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam tại tỉnh Kagoshima. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam và Thống đốc tỉnh Kagoshima trao đổi trực tuyến tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam tại tỉnh Kagoshima. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

“Người Nhật ăn bằng mắt”

Ông thấy người Nhật ưu tiên gì khi lựa chọn sản phẩm nông sản?

Có người nói “người Nhật ăn bằng mắt”, hiểu nôm thì hơi ngoa nhưng quả thật người Nhật rất coi trọng mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác, quả phải tròn đều, cùng cỡ (size) quả, bao bì đóng gói phải đẹp và “hợp mắt” người Nhật.

Tôi nói đùa với bạn bè rằng nhiều mặt hàng do Việt Nam thiết kế, in ấn nhìn trên kệ hàng là biết ngay. Tại sao thì khó nói nhưng có gì đó chưa giống với nét mà người Nhật thích.

Thứ hai là vấn đề sức khỏe và an toàn. Đây là trách nhiệm của cơ quan kiểm định nhà nước, của công ty nhập khẩu, của  khâu phân phối… Do vậy, nếu một sản phẩm bị kiểm tra kém thì cả lô hàng bị bỏ và cả vùng sản xuất sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát gắt gao và nguy cơ bị loại bỏ. 

Các bạn Việt Nam ở Nhật rất ngạc nhiên trước việc có nhiều gia đình Nhật trồng cây trái trong vườn nhà nhưng không thu hoạch để sử dụng hay bán đi mà để trái cây tự chín hỏng. Một trong những lý do bởi người Nhật Bản đặt vấn đề  an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Do vậy họ gần như không bao giờ ăn những thực phẩm chưa được kiểm định, cho dù đó là cây trái vườn nhà, và chỉ mua hàng ở siêu thị, nơi hàng hóa đều được bảo đảm về sự an toàn.

Tôi cũng xin bật mí, ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, người tiêu dùng không thích lựa chọn hoa quả nhiều đường (mà hầu như hoa quả nhiệt đới đều phải nhiều đường mới ngon), ví dụ xoài, chuối phải còn hơi xanh…

Ngược lại, thị trường Nhật lại rất ưa chuộng hoa quả nhiều đường, những quả dứa, nho phải rất ngọt, nhiều nước. Một hạn chế nữa của hoa quả nhiệt đới là nhiều hạt trong khi công nghệ phát triển hoa quả không hạt của Nhật đã đạt tới mức “siêu khủng”.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima 3. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima 3. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Làm sao cho các loại quả có mẫu mã đẹp, ngon và hạt bé đi…

Vai trò của các doanh nghiệp trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản sang Nhật thời gian qua như thế nào? Các cơ quan chức năng Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, thưa ông?

Để thúc đẩy xuất khẩu hoa quả, nông sản, không chỉ người nông dân, công ty thu mua, công ty xuất nhập khẩu mà còn cần cả sự tham gia tích cực của các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã và nhiều đơn vị khác cùng với chính quyền các cấp ở tỉnh/thành, cấp huyện, xã…

Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản về xuất nhập khẩu là cơ quan hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đàm phán mở cửa và đề ra các chính sách thuận lợi hỗ trợ cho các công ty, ngành hàng cùng các vùng sản xuất.

Bộ NN-PTNT hỗ trợ nông dân quy hoạch vùng sản xuất, hạn chế phát triển tràn lan dẫn tới việc được mùa thì giá rẻ mà mất mùa thì nhiều nông dân mắc nợ ngân hàng…

Cần phải theo mô hình vết dầu loang, tập trung hỗ trợ phát triển một loại quả ở một vùng để ra tấm ra món, sau đó mới rút kinh nghiệm, xây dựng quy hoạch, mở rộng sản xuất, hỗ trợ nông dân kỹ thuật, cây giống,  giao các viện nông nghiệp nghiên cứu về các loại giống mới, cải tạo giống cũ để làm sao cho các loại quả có mẫu mã đẹp, ngon và hạt bé đi hoặc triệt tiêu, tìm kiếm các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến để không chỉ xuất quả tươi mà còn chế biến để tạo giá trị gia tăng cho người nông dân.

Hiện nay, người nông dân còn phát triển nhỏ lẻ. Chúng ta chưa có mô hình công ty lớn sản xuất nông nghiệp như châu Âu, Mỹ hay như mô hình nông dân Nhật Bản vừa là hộ cá thể nhưng tập hợp trong các hợp tác xã (JCA).

Vai trò của hợp tác xã giúp quản lý sản xuất, giám sát quy trình an toàn thực phẩm, vừa thống nhất giá cả cũng như hỗ trợ bảo quản, sơ chế tập trung (đông lạnh, sơ chế, đóng gói, đàm phán chung với công ty thu mua), để hạn chế các hộ cá thể phá giá hoặc không tuân thủ các quy trình an toàn sản xuất.

Bộ Khoa học Công nghệ giúp đăng ký vùng sản xuất với các thị trường nhập khẩu. Điều này rất quan trọng nhất là thị trường Nhật. Khi quả vải Bắc Giang được đăng ký thì các kệ hàng sẽ dễ dàng nhập khẩu và dễ dàng kiểm soát việc các hàng hóa khác “ẩn tên”.

Bộ Khoa học Công nghệ cũng hỗ trợ, cùng với Bộ NN-PTNN tìm kiếm các công nghệ mới phục vụ, sản xuất, thu hoạch và bảo quản, chế biến…

Các công ty thu mua, xuất khẩu hàng hóa là đầu mối chính của người nông dân cũng cần có vai trò và đầu tư thích đáng cho các thiết bị bảo quản, chuyên chở, cam kết mức giá ổn định để giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Và cao hơn cả là chính phủ, chính quyền các tỉnh hỗ trợ các chính sách ưu đãi về đất đai, cơ chế, hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi… để giúp người nông dân phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhất là trong những giai đoạn đầu sản xuất.

Chuyến bay đặc biệt và những văn bản ký nhanh không tưởng

Được biết, cá nhân ông và Đại sứ quán Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật. Ông có thể chia sẻ thêm với độc giả…

Đúng khoảng thời gian này năm ngoái, giữa lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, các chuyến bay tạm dừng, những trái vải thiều tươi của Việt Nam đã lần đầu tiên ra mắt người tiêu dùng Nhật Bản và được đón nhận nồng nhiệt.

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi giây phút xúc động được giới thiệu trái vải Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản tại siêu thị AEON tròn một năm về trước. Đã có lúc chúng tôi tưởng chừng lỡ hẹn, không thể đưa được trái vải của ta sang Nhật do quá nhiều khó khăn nảy sinh vì Covid-19.

Nhớ lại khi đó, mùa vải chỉ còn chưa đầy 2 tuần là thu hoạch, người nông dân rất sốt ruột mong chờ quyết định của Nhật Bản. 

Phía bạn đã quyết định cử chuyên gia kiểm dịch vào Việt Nam để giám sát quá trình xử lý quả vải trước khi xuất khẩu. Không có chuyến bay, làm sao chuyên gia vào được Việt Nam? Chuyên gia vào được cũng phải cách ly 14 ngày trong khi chuyên gia còn phải quản lý công việc không chỉ Việt Nam mà còn nhiều đối tác của Nhật ở các nước(?!).

Tôi rất cảm ơn sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã kịp thời trình Thủ tướng các văn bản nhanh không tưởng, hỗ trợ Đại sứ quán xử lý các thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia.

Tôi cảm ơn Vietnam Airlines đã cấp chuyến bay đặc biệt để chở duy nhất một hành khách Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam đầu tháng 6/2020. Khi chuyên gia chuẩn bị lên máy bay ở Nhật Bản, Đại sứ quán nhận được tin cảng vụ chưa cho phép bay vì vẫn còn thiếu văn bản của cơ quan quản lý cách ly chuyên gia.

Trong vòng 30 phút, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã ký văn bản bảo lãnh và chuyến bay đã cất cánh đúng giờ, hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài với một hành khách duy nhất, chuyên gia Nhật Bản. Khi thấy quả vải thiều trên kệ hàng của AEON, chúng tôi mới thở nhẹ nhõm. 

Dù cho dịch bệnh, công tác xúc tiến quảng bá hàng nông sản, kết nối doanh nghiệp, địa phương của hai bên vẫn được Đại sứ quán triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức sáng tạo.

Khi trái vải đầu tiên lên kệ của siêu thị AEON, đích thân Đại sứ đã đến tận quầy, hỏi thăm gặp gỡ người mua để cảm nhận đánh giá của khách hàng. Khi không tổ chức được các hoạt động trực tiếp thì chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến.

Mới đây nhất, ngày 4/6/2021, Đại sứ đã có buổi làm việc trực tuyến với Thống đốc tỉnh Kagoshima, ông Shiota Koichi, để trao đổi các biện pháp nhằm phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Kagoshima. Hai bên đã nhấn mạnh tới việc hỗ trợ thúc đẩy đưa các sản phẩm Việt Nam sang tiêu thụ tại tỉnh Kagoshima, cũng như các sản phẩm của tỉnh Kagoshima vào thị trường Việt Nam.

Đại sứ và Thống đốc Kagoshima đã  khai trương Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị AEON Kagoshima từ 4 – 6/6/2021 với việc lần đầu tiên vải thiều tươi của Việt Nam được giới thiệu tới người dân trong tỉnh.

Chúng tôi cũng đang trao đổi và phối hợp với đại diện Tập đoàn AEON Nhật Bản về kế hoạch tăng cường quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam trong chương trình Tuần hàng Việt Nam tại AEON, sẽ được triển khai tại hơn 300 siêu thị và cửa hàng của AEON trên toàn Nhật Bản từ ngày 25-27/6/2021, tập trung vào quả vải và một số nông sản tiêu biểu của Việt Nam.

Điều Đại sứ trăn trở vẫn là chất lượng quả vải khi tới Nhật Bản, là phương pháp bảo quản, cách chuyên chở từ Việt Nam sang Nhật vẫn còn nhiều vướng mắc. Đại sứ cùng với Thương vụ đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà nhập khẩu nghe ý kiến về các khó khăn, giới thiệu các công nghệ bảo quản tiên tiến cho các công ty Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tiếp tục quảng bá giới thiệu hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là quả vải tươi, tới người tiêu dùng Nhật Bản thông qua các kênh truyền thông, phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới người dân về chương trình đặt mua vải theo hình thức trực tuyến…

Ông có những lời khuyên gì cho người trồng vải cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi và nông sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Nhật Bản?

Trái vải tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Nhật Bản rất yêu thích và ưa chuộng. Đây cũng là món quà mà Đại sứ quán gửi tặng tới các bạn bè tại Nhật. Nhiều người nhận quà và thưởng thức sau đó đã phản hồi với tôi về chất lượng tuyệt vời của trái vải Việt Nam, có người còn khẳng định đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức trái vải thơm ngon đến vậy.

Hiện nay, các chuyến hàng chở vải tươi xuất sang Nhật được thực hiện đều đặn hàng tuần và đều được tiêu thụ rất nhanh chóng.

Để bảo đảm xuất khẩu bền vững, điều tôi muốn nhấn mạnh là người trồng vải nói riêng và người nông dân/doanh nghiệp nuôi trồng hàng nông sản nói chung cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật từ khâu nuôi trồng đến khâu xử lý bảo quản sau hoạch hiện đại, tuân thủ quy định về vùng sản xuất và quy trình nghiêm ngặt về khử khuẩn, bảo đảm sản phẩm không còn dư lượng các hóa chất; cần phải có sự liên kết đồng bộ với các doanh nghiệp vận chuyển và xuất khẩu để đảm sản phẩm xuất khẩu tới tay khách hàng có chất lượng đạt yêu cầu, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Vải thiều được ưa chuộng tại Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Vải thiều được ưa chuộng tại Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Quả vải sang Nhật không chỉ là công sức mồ hôi của của người nông dân. Nó còn là kết quả của sự quan tâm sát sao của các Bộ, các ngành như tôi đã nói ở trên.

Thành công của quả vải sẽ mở đường cho người nông dân ở các vùng quả khác như bưởi, nhãn, xoài… rút kinh nghiệm đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng, mang lại thành quả cao hơn, để làm sao chúng ta có nhiều loại quả mang tên Việt Nam trên kệ hàng các nước, để thổi hồn cho niềm tự hào thương hiệu Việt Nam.

Thâm nhập thị trường thành công đã khó nhưng giữ được thị trường bền vững và phát triển còn khó hơn. Chỉ cần một khâu trong chu trình sản xuất – xuất khẩu bị trục trặc sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản, tác động đến nỗ lực phát triển thị trường của biết bao con người, và người bị tác động dội lại, ảnh hưởng trước hết sẽ là người nông dân.

Tôi tin rằng người nông dân và doanh nghiệp của ta đều đã hiểu tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường khó tính vào loại bậc nhất là Nhật Bản để từ đó nỗ lực gìn giữ thương hiệu và uy tín của “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Phóng viên đề nghị tôi có những lời khuyên gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi và nông sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Nhật Bản. Tôi thiết nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã nhận thấy tiềm năng từ góc độ “cung” và “cầu” rất mở này, cánh cửa cho hàng nông sản Việt Nam sang Nhật đang dần mở. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và cam kết cùng với nông dân sẽ là thành công cho thương hiệu.

Xin chúc bà con nông dân đã có quả ngon sang Nhật sẽ tiếp tục có thêm nhiều quả ngon nữa sang với người tiêu dùng Nhật Bản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Xuân Nghiên (Báo Nông nghiệp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO