Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết Thủ tướng đồng ý đề xuất của tỉnh về việc cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn. Tỉnh đã lên 3 kịch bản tiêu thụ vải.
- Vải sớm Thanh Hà hứa hẹn vụ mùa bội thu
- Nhật Bản chính thức ủy quyền giám sát xuất khẩu loại nông sản này cho Việt Nam, nông dân đợi thời thu nghìn tỷ
- Vải thiều sắp lên sàn
Người dân Lục Ngạn xếp hàng chờ cân vải thiều – Ảnh: NAM TRẦN
Tại hội nghị thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 14-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết năm nay vải thiều được mùa, có sản lượng tốt nhất từ trước đến nay, với 28.100ha, sản lượng ước 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn…, trong đó sản lượng chính vụ khoảng 130.000 tấn.
Thời gian thu hoạch sớm, từ 20-5 và chính vụ từ 10-6 đến 20-7.
Lập chốt các cửa ngõ ra vào vùng vải
Dù đang tập trung phòng chống dịch COVID-19, nhưng tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Các vùng trồng vải không bị ảnh hưởng dịch đã lập chốt, trạm các tuyến cửa ngõ ra vào để kiểm soát, phòng chống dịch trong suốt thời gian thu hoạch, tiêu thụ.
Đồng thời tuyên truyền người trồng vải không ra khỏi vùng, tập trung cho công tác chế biến, tiêu thụ.
Hiện tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã rà soát các trường hợp F0 (nếu có), lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân vùng vải đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và truy vết, tầm soát các trường hợp F1, F2. Với F1 sẽ đưa về khu cách ly tập trung ở tỉnh.
Ngành nông nghiệp, các huyện cũng lập hồ sơ, xét nghiệm xác nhận các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước bảo đảm an toàn dịch COVID-19.
“Để xúc tiến tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào ngày 8-6 với 21 điểm cầu trong nước, 4 điểm cầu Trung Quốc, 2 điểm cầu tại Nhật Bản, 1 điểm cầu tại Singapore và 1 điểm cầu tại Úc.
Đây là hội nghị xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế nên tỉnh xem đây là cơ hội để đàm phán, xúc tiến, hợp tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang với các nước. Đồng thời, tổ chức lễ xuất lô vải sớm Tân Yên đi Nhật Bản vào ngày 26-5″ – ông Tuấn nói.
Vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang Nhật Bản chuẩn bị cho thu hoạch – Ảnh: Trịnh Lan
3 kịch bản tiêu thụ
Hiện tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều với từng tình huống dịch COVID-19.
1. Dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Sản lượng vải thiều sẽ được tiêu thụ trong nước khoảng 50% (90.000 tấn), 50% xuất khẩu.
2. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, khi đó 70% (130.000 tấn) tiêu thụ trong nước, 30% (50.000 tấn).
3. Dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện, xuất khẩu đóng băng, vải thiều sẽ chủ yếu được tiêu thụ nội địa.
Để thực hiện tốt các phương án tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã phối hợp Đại sứ quán Trung Quốc để sớm đưa thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua vải và có văn bản báo cáo Thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan thống nhất tham mưu và Thủ tướng đồng ý giải quyết cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh.
Hiện Bắc Giang đã sẵn sàng các phương án đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai về tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
Với thị trường trong nước, đã chỉ đạo Sở Công thương làm việc với các siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh và đưa vải thiều lên các trang, sàn thương mại điện tử để tăng sản lượng tiêu thụ vải thiều.
Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia về Bắc Giang giám sát xông hơi, khử trùng và thực hiện kiểm dịch thực vật… quả vải để phục vụ việc xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nhất trí với kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết bộ đã có kế hoạch và chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị để giúp tỉnh tiêu thụ vải thuận lợi.
Vải thiều Thanh Hà sớm giá cao
Ngày 18-5, UBND tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh năm 2021.
Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Úc, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.
Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh đạt 9.186ha, cơ bản được canh tác theo hướng VietGAP. Tổng sản lượng ước 50.000 – 55.000 tấn (vải sớm 30.000 – 35.000 tấn; chính vụ 20.000 – 25.000 tấn), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Công thương Hải Dương, từ ngày 5-5, vải thiều sớm bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Giá vải sớm (u trứng trắng, u hồng…) ở Thanh Hà, TP Chí Linh và Hải Dương đang được bán với giá 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Chí Tuệ (Báo Tuổi trẻ)