Mới đây, xoài Campuhia được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép xuất khẩu vào nước này. Như vậy, xoài Việt Nam lại có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường 1,4 tỷ dân này.
Cuối tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công bố danh sách 37 trang trại trồng xoài và 5 nhà máy đóng gói của Campuchia được phép xuất khẩu xoài chính ngạch vào nước này.
Hiện diện tích trồng xoài tại Campuchia lên tới hơn 100.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh Kampong Speu, Kampot, Battambang và Banteay Meanchey, với sản lượng thu hoạch trung bình khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Hồi tháng 6/2020, Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia thông báo phía Trung Quốc và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia thảo luận một thỏa thuận cho phép Campuchia xuất khẩu 500.000 tấn xoài mỗi năm sang Trung Quốc.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp tại Campuchia. Một số chuyên gia cho rằng, số đơn đặt hàng lớn từ Trung Quốc có thể là cú hích lớn cho nền kinh tế Campuchia. Bởi, điều này đã từng xảy ra với quả chuối. Cụ thể, năm 2018 chỉ 10.000 tấn chuối Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, con số này tăng vọt lên 157 ngàn tấn năm 2019 và đạt 210,8 ngàn tấn năm 2020.
Năm 2020, xoài Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm 4,18% so với năm 2019 (ảnh: Mạnh Khương)
Từ thực tế trên cho thấy, xoài Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường 1,4 tỷ dân này. Chưa kể, những năm gần đây, Campuchia cũng xuất khẩu một lượng lớn xoài sang Việt Nam, bán tràn ngập chợ với giá khá rẻ.
Theo một báo cáo chuyên đề tại hội thảo Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam hồi giữa tháng 4, xuất khẩu xoài hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 160.000-170.000 tấn, với 94% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong số này, chỉ 0,08% (tương đương 141 tấn) được xuất khẩu theo đường chính ngạch, tức trên 99% lượng xoài phải xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang quốc gia tỷ dân láng giềng (số liệu năm 2019).
Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối.
Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới, với tổng diện tích trồng xoài trên 87.000ha, tổng sản lượng xoài trong năm 2020 đạt 893,2 ngàn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Thế nhưng, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam chỉ đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019. Nguyên nhân được đánh giá khách quan do đại dịch Covid-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu.Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đạt 151,8 triệu USD chiếm xấp xỉ 84% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, song lượng xoài Việt xuất sang thị trường này lại giảm 4,18% so với năm 2019.
Không những xuất khẩu giảm, giữa tháng 8/2020, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, phía Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài Việt Nam (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019- 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý. Đáng chú ý, trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp nằm trong danh sách vi phạm.
Để thực hiện mục tiêu gia tăng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV kiến nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp các trung tâm kỹ thuật của Cục để thực hiện các nghiên cứu nhằm dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường và thực hiện giám định sinh vật gây hại, kiểm tra dư lượng trước khi xuất khẩu; số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý trên cơ sở kết nối từ người nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu.
Đối với các địa phương, bà Hương đề nghị, cần đẩy mạnh liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.
T.An (Báo Vietnamnet)