Tại sao Việt Nam chưa thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc?

Vì chưa ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, quả sầu riêng của Việt Nam hiện phải xuất khẩu vào thị trường tỉ dân này dưới danh nghĩa sầu Mongthon của Thái Lan hoặc Malaysia.

Bên lề “Hội nghị thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản và tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới” được tổ chức ở Đồng Nai hôm 29-4, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) lo lắng khi sắp vào mùa thu hoạch sầu riêng nhưng đầu ra vẫn đang rất bấp bênh.

Theo đó, HTX của bà Nga là một trong những đơn vị đầu tiên ở Đồng Nai thực hiện “cánh đồng lớn” đối với sầu riêng, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP cũng như chứng nhận 3 sao của chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, trái sầu riêng của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng là một trong những trái cây chủ lực của Việt Nam nhưng chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nam Bình.

Về vấn đề này, ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho rằng, việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là một câu chuyện dài kỳ, với nhiều vấn đề còn vướng mắc.

Hiện nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu được chính ngạch vào Trung Quốc một số sản phẩm trái cây tươi như trái măng cụt với sản lượng không lớn, thị trường nhỏ. Ngược lại, trái sầu riêng có diện tích trồng tại Việt Nam lớn, sản lượng và giá trị đều cao hơn măng cụt nhưng lại không xuất khẩu chính ngạch vào Trung quốc được.

“Việc này (cho phép nhập khẩu chính ngạch trái sầu riêng – PV) phụ thuộc vào cán cân thương mại giữa hai nước, Trung Quốc sẽ căn cứ vào thực tế nhu cầu thị trường của họ để đồng ý xem xét cho phép nhập khẩu chính ngạch những sản phẩm nào”, ông Sinh giải thích.

Theo ông Sinh, cuối tháng 3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đã có buổi làm việc với Cục Bảo vệ Thực vật về vấn đề xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Thế nhưng, câu trả lời từ Cục Bảo vệ Thực vật là vẫn chưa có kết quả cuối cùng nên nông dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đợi.

Việt Nam hiện có khoảng 50.000 – 60.000ha trồng sầu riêng trên toàn quốc. Hằng năm, sầu riêng Việt Nam phải đi vòng qua Thái Lan, Malaysia để vào Trung Quốc vừa gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa không giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm cho trái cây Việt Nam.

Việc chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp, HTX trồng sầu riêng như của bà Nga trăn trở, lo lắng. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, để đàm phán được một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường nào đó, bất kể là Mỹ, Nga, Trung Quốc… tốn rất nhiều thời gian, nhanh nhất là ba năm nhưng cũng có trường hợp thời gian đàm phán kéo dài đến 12 năm.

Trường hợp của sầu riêng, ông Tùng cho biết, nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã kết thúc từ năm 2020. Trước đó, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này. Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại vì Covid-19.

“Nói cho dễ hiểu, khi chúng ta muốn bán cho người ta một sản phẩm nào đó thì phải mua lại của họ một sản phẩm khác. Việc mua lại sản phẩm nào thì chúng ta cũng phải xem xét, dựa trên nhu cầu thị trường trong nước nên mong bà con nông dân và các doanh nghiệp thông cảm cho cơ quan chức năng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cũng như Tổng cục Hải quan đang rất nỗ lực đàm phán nhưng vì kẹt Covid-19 nên mọi việc bị chậm lại”, ông Tùng nói.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Tuy nhiên, tính đến năm 2020, Việt Nam chỉ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Vì chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên nhiều loại trái cây của Việt Nam đã phải đi đường vòng, qua Thái Lan để nhập khẩu vào quốc gia tỉ dân này.

Hiện nay, để xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam phải “mượn danh” sầu riêng Thái Lan hoặc Malaysia. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Kết quả, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Thái Lan đã có sự gia tăng đột biến trong những năm qua. Cụ thể như năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan đạt hơn 157 triệu đô la Mỹ, tăng đến gần 110% so với năm trước đó. Với kết quả này, Thái Lan là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam, chỉ xếp sau Trung Quốc (hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ), Mỹ (gần 169 triệu đô la Mỹ) và Liên minh châu Âu (trên 158 triệu đô la Mỹ).

Thông tin từ Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Thái Lan. Năm 2020, xuất khẩu sầu riêng của nước này sang Trung Quốc đã đạt 576.000 tấn, trị giá 2,51 tỉ đô la Mỹ. Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong năm 2020 có giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với năm 2019 nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Nam Bình (thesaigontimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT HÀNG ZALO