Xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, Lai Châu, vốn nổi tiếng với nghề trồng cây sơn tra, nhưng vài năm trở lại đây, sản phẩm này xuống giá thê thảm, thậm chí là thu hoạch ra không bán được, gây khó khăn cho đời sống của chị em.
Từ cây kỳ vọng thoát nghèo thành cây… khó khăn
Năm 2015, người dân ở xã Làng Mô tập trung phát triển canh tác cây sơn tra với diện tích khá lớn, khi ấy chị em phụ nữ ở địa phương đều kỳ vọng sẽ thu được thành quả tốt đẹp chỉ sau vài năm nữa. Sự chuyển đổi cây trồng ồ ạt, khiến cho diện tích trồng sơn tra ở xã Làng Mô khi ấy đã phát triển đến hơn 109 ha, trong đó có 87ha mới trồng từ năm 2016.
Nhờ thổ nhưỡng tốt, cùng khí hậu mát mẻ, cây sơn tra được trồng ở đây phát triển rất tốt, từ năm 2020 bắt đầu cho thu hoạch nhiều.
Người dân ở thôn Tà Cù Nhè, xã Làng Mô, dành khá nhiều diện tích đất để trồng cây sơn tra
Nhưng cũng từ đây, thị trường không còn ưa chuộng mặt hàng này nữa, quả sơn tra thu hoạch được khá nhiều, nhưng rớt giá thê thảm, nếu như vài năm trước, giá sơn tra bán tại vườn cũng lên tới vài chục nghìn đồng/kg. Nhưng đến nay, chỉ còn từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Thậm chí quả thu hoạch về còn không có người mua. Người dân tiếc của phải thái ra phơi để bán hàng khô. Nhưng dù có làm vậy, thì hàng khô cũng chịu chung số phận như hàng tươi, đều không có khách mua.
Chị Vàng Thị So, ở thôn Tà Cù Nhè, xã Làng Mô, cho biết: Quả sơn tra trồng ở đây rất to, rất đẹp, nhưng bây giờ không có người mua như trước nữa, có người mua thì giá cũng rẻ quá, không đủ cả công đi hái về. Nhìn nương sơn tra thì tiếc lắm, nhưng không biết làm cách nào. Năm nào cũng không bán được, không thu được thì gia đình càng khó khăn.
Giá thành xuống thấp, ít người mua, khiến cho người dân trồng sơn tra ở xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, Lai Châu gặp nhiều khó khăn
Chị Vàng Thị San, ở thôn Tù Cù Phìn, xã Làng Mô, chia sẻ: Do phát triển nhanh quá, trồng lượng lớn cây sơn tra nên chiếm phần lớn diện tích đất canh tác. Giờ không bán được, không có thu hoạch thì kinh tế các gia đình đều khó khăn. Đàn ông thì còn đi kiếm việc làm thuê, nhưng phụ nữ thì khó khăn hơn vì khó kiếm việc làm thêm, cứ tưởng cây thoát nghèo, giờ lại thành cây nghèo thêm”.
Cần tháo gỡ khó khăn cho người trồng sơn tra
Vấn đề quả sơn tra xuống giá, không tiêu thụ được, đã gây khó khăn cho nhiều chị em phụ nữ, cũng như các gia đình người dân ở xã Làng Mô. Hiện nay bài toán tháo gỡ khó khăn cho quả sơn tra đang được đặt ra với chính quyền địa phương, nhưng thời gian qua, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi. Quả sơn tra không còn được ưa thích như trước kia, nên càng khó tìm đường tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Mai, một người chuyên nhập hoa quả từ huyện Sìn Hồ về các tỉnh vùng xuôi bán, cho biết: “Trước kia, người dân ở vùng xuôi thường ưa thích quả sơn tra để ngâm, nhưng từ vài năm trở lại đây người ta cũng ít dùng quả này để ngâm. Còn một số cơ sở chế biến hoa quả thì có lẽ hiệu quả từ chế biến quả sơn tra không cao, nên họ cũng không mặn mà lắm. Giá xuống rẻ lắm, nhưng mình có nhập về cũng không bán được. Nên chỉ khổ chị em trong xã Làng Mô, đi hái cả ngày về cũng không bán được, mà có bán được cũng chả đủ tiền công họ đi hái”.
Quả sơn tra tươi không bán được, chị San tiếc của đành thái ra để làm sơn tra khô, nhưng giá sơn tra khô cũng chỉ 20 nghìn đồng/kg
Bà Chẻo Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sìn Hồ, cho biết: “Hiện nay quả sơn tra được trồng nhiều không chỉ ở Sìn Hồ, mà còn nhiều địa phương khác cũng phát triển cây này, có thể điều đó dẫn đến cung vượt quá cầu. Dẫn đến giá bán xuống thấp quá nên gây khó khăn cho bà con. Hiện nay chính quyền địa phương Làng Mô cũng đã kiến nghị lên các phòng ban chuyên môn của huyện để tìm cách tháo gỡ cho bà con”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể cũng cần vào cuộc, tận dụng các kênh thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, giúp đỡ bà con tiêu thụ sản phẩm một cách hữu hiệu.
Hoàng Sa (Phụ nữ Việt Nam)