Site icon

Trồng ổi trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nông dân Di Trạch ở Hà Nội là triệu phú, tỷ phú

Với mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nông dân xã ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm. Đặc biệt, với kỹ thuật trồng ổi trái vụ, người trồng ổi ở Di Trạch chẳng bao giờ lo được mùa mất giá, ổi là cây làm giàu cho người dân nơi đây.

Trồng ổi VietGAP, HTX Di Trạch bán vào siêu thị, cửa hàng rau củ quả sạch

Phóng viên Báo Điện tử Dân Việt gặp anh Nguyễn Hữu Quang – Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch tại diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm do ngành nông nghiệp Hà Nội tổ chức, khi anh đang tất bật giới thiệu đặc sản ổi Di Trạch.

Anh Quang cho biết: HTX Dịch vụ Di Trạch, xã Di Trạch có tổng diện tích canh tác 40ha. Trong đó, hơn 20ha trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, số diện tích còn lại trồng táo, dưa lê, hồng xiêm… Nhờ sản xuất sạch, chú trọng an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ của HTX Dịch vụ Di Trạch chủ yếu ở Hà Nội, siêu thị, cửa hàng rau củ quả sạch và một số tỉnh lân cận. Hiện, ổi Di Trạch có giá bán dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.

Với diện tích 10 mẫu trồng cây ăn quả, trong đó có 5 mẫu trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cũng là một trong những tỷ phú nông dân trẻ ở xã Di Trạch. Ảnh: Thu Hà

Đến nay, sản lượng ổi cung cấp ra thị trường từ 250 – 300 tấn ổi/ năm. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con xã viên.

“Chỉ với nghề trồng ổi, nhiều nông dân ở xã Di Trạch có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, cuối năm 2021, sản phẩm ổi Di Trạch được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được chứng nhận đạt OCOP 4 sao – giúp càng khẳng định chất lượng, thương hiệu ổi của địa phương” – anh Quang phấn khởi nói..

Theo anh Quang, để có được trái ổi VietGAP được khách hàng ưa chuộng, thị trường đón nhận như ngày hôm nay, các thành viên của HTX phải mất gần 1 năm để tập trung cải tạo đất đai. Bên cạnh đó, HTX còn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn khoa học kỹ thuật; những quy định về tiêu chuẩn từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, Hội Nông dân xã Di Trạch”.

Bí quyết trồng ổi trái vụ của tỷ phú nông dân ở Di Trạch

Với diện tích 10 mẫu trồng cây ăn quả, trong đó có 5 mẫu trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cũng là một trong những tỷ phú nông dân trẻ ở xã Di Trạch.

Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cho biết: Khi đậu quả, HTX sẽ thực hiện kỹ thuật bao trái ổi lại bằng túi ni lông để hạn chế sâu hại ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng. Ảnh: Xuân Hiền

Anh Quang cho biết: Nếu như trước đây, mùa ổi mỗi năm chỉ có một vụ vào khoảng tháng 5 – 6 thì hiện nay, người dân Di Trạch đã biết cách trồng ổi trái vụ, “bắt” ổi ra trái quanh năm.

Anh Quang giải thích thêm: Nếu chăm sóc theo cách thông thường, thì giống ổi lê Đài Loan cho thu hoạch chính vụ vào khoảng tháng 5, tháng 6. Tuy nhiên, thời điểm đó cũng rộ vào mùa các loại hoa quả khác, vì vậy giá bán ổi không được cao và khó tiêu thụ.

Chính vì vậy, thay vì thu hoạch quả ổi vào tháng 5, tháng 6, anh Quang và các xã viên điều chỉnh cho vườn ổi ra hoa, kết trái để có thể thu quả từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. “Giống ổi ưa gió heo may nên vào tiết trời lạnh, quả ổi trái vụ càng thêm giòn, ngọt” – anh Quang nói.

Chia sẻ bí quyết trồng ổi trái vụ, anh Quang cho biết: “Vào khoảng tháng 4 hàng năm, khi cây ổi bắt đầu ra quả non, tôi tiến hành vặt bỏ toàn bộ, sau đó cắt tỉa cành, tạo tán, tập trung nuôi cây. Tầm tháng 7, tháng 8, tôi bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây ổi ra hoa, kết trái. Tôi thực hiện bấm ngọn toàn bộ số cây ổi trong vườn theo từng đợt, từng lớp từ thấp đến cao, nhằm kích thích cây ổi ra quả theo ý mình.

Khi đậu quả, HTX sẽ thực hiện kỹ thuật bao trái ổi lại bằng túi ni lông để hạn chế sâu hại ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng. Việc bao trái như vậy cũng giúp hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.

Sản phẩm ổi lê Di Trạch Hoài Đức. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Huy Hoàng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã Di Trạch chủ yếu trồng ổi theo phương pháp truyền thống. Cách làm này khiến cho quả ổi không đạt chất lượng đồng đều, sản lượng thấp, giá thành không cao.

Theo ông Hoàng, ngay sau khi HTX Dịch vụ Di Trạch được thành lập, nên việc xây dựng mô hình sản xuất ổi VietGAP đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của địa phương và đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng ổi theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, hoàn thiện bao bì, nhãn mác để tăng tính nhận diện, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó nâng tầm thương hiệu ổi VietGAP Di Trạch”, ông Hoàng cho biết.

Thu Hà (Báo Dân Việt)

Exit mobile version