Site icon

Những nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc

Những nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc được bà Trần Hà Trang, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải nêu ra trong hội nghị với Văn phòng SPS.

Bà Trần Hà Trang, Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải tham dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: TLSQ Việt Nam tại Thượng Hải.

Phát biểu tại hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248; 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2” do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật tổ chức ngày 17/8, bà Trần Hà Trang, Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải nêu ra những nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc.

Sai lầm đầu tiên mà bà Trần Hà Trang đưa ra đó là quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính. Theo đó, với 300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, yêu cầu về thực phẩm của thị trường này ngày càng cao, đi kèm với đó là mẫu mã đẹp.

Ngoài ra, do gia nhập WTO từ năm 2001, Trung Quốc có đầy đủ các quy định giám sát, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể, về cơ cấu kinh tế, hiện nay Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới.

Sai lầm tiếp theo đó là cho rằng thương mại với Trung Quốc chỉ là thương mại biên giới. Giải thích cụ thể hơn về nhận định này, bà Trần Hà Trang nói, Việt Nam là đối tác thương mại biên giới lớn nhất của Trung Quốc song kim ngạch thương mại qua khu vực biên giới đất liền chỉ chiếm 20~25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trên thự tế, thương mại với thị trường Trung Quốc là thương mại với thị trường bao gồm 31 địa phương rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người. Trong đó, khu vực Hoa Đông có GDP 6,45 nghìn tỷ USD, chiếm 36,4% GDP toàn quốc. Thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc có nhiều thế  mạnh như hạ tầng giao thông, logistics, hệ thống phân phối, siêu thị, thương mại điện tử (Taobao, Hema…), chợ đầu mối lớn…

Một quan niệm sai lầm lớn nữa là định nghĩa “tiểu ngạch” trong xuất nhập khẩu. Lãnh sự thương mại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải khẳng định: “Thực chất đây là hình thức doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới nhằm tận dụng ưu đãi”.

Mặc dù có một số ưu điểm như hưởng ưu đãi thuế, không cần hợp đồng, thanh toán nhanh… nhưng hình thức này có rất nhiều rủi ro. Thứ nhất, thường trực nguy cơ ùn tắc hàng hóa vào các dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu. Thứ hai, nguy cơ bị lừa đảo thanh toán, ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng.

Ngoài ra còn gây hiểu lầm cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý nhà nước và có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam.

Hiện nay, xuất nhập khẩu ở biên giới là hình thức doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Sai lầm cuối cùng được bà Trần Hà Trang nêu ra trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đó là nhiều người cho rằng thị trường này có sự thay đổi chính sách thất thường.

Tuy nhiên, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải khẳng định, chính sách Trung Quốc là nhất quán từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách mới phải tuân thủ các quy định của WTO như tham vấn, lấy ý kiến góp ý, rồi mới ban hành.

Do đó, bà Trần Hà Trang cho rằng các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, thương hiệu cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng cũng như tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Với các doanh nghiệp, Lãnh sự Thương mại tại Thượng Hải cho rằng cần tìm hiểu kỹ về Lệnh 248, 249 và ngay lập tức triển khai đăng ký mã số xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu cũng như mở rộng thêm các hình thức xúc tiến vào thị trường Trung Quốc.

Một điểm quan trọng nữa trong giai đoạn hiện nay là kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn hàng hóa, đặc biệt là các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của phía Trung Quốc.

Tùng Đinh (Nông nghiệp Việt Nam)

Exit mobile version