Site icon

Thái Lan ra mắt giống sầu riêng không mùi hôi – người thay đổi cuộc chơi?

Những người vốn không ưa cái mùi đặc biệt của trái sầu riêng giờ đây đã có thể vui mừng tận hưởng “trái cây Vua”, với giống sầu riêng không mùi hôi của Thái Lan.

Phiên bản sầu riêng không mùi hôi của Thái Lan là bước tiến mới trong ngành lai giống trái cây. Ảnh: Shutterstock

Đó là giống sầu riêng không mùi hôi có tên Pak Chong-Khao Yai vừa được giới thiệu vào tuần trước tại Lễ hội Sầu riêng Pak Chong-Khao Yai ở quận Pak Chong, tỉnh Nakhon Ratchasimado Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức, nơi các nữ hoàng sắc đẹp và những người sành sầu riêng được nếm thử giống sầu riêng mới.

Loại sầu riêng mới này được cho là một nhánh của giống Mon Thong phổ biến được trồng ở tỉnh Nakhon Ratchasima, phía đông bắc Thái Lan. Những người trồng khẳng định giống sầu riêng mới ngọt, thịt mềm và đặc biệt không có mùi hôi.

Hiện giống sầu riêng không có mùi hôi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (GI), công nhận sản phẩm có nguồn gốc từ một vị trí địa lý cụ thể và có chất lượng uy tín đối với khu vực.

Tại lễ hội trái cây vào tuần trước, những người tham dự đã phải rút hầu bao trả tới 399 bạt (khoảng 10,90 USD) cho bữa tiệc tự chọn trái cây ăn thoải sức trong vòng 49 phút. Theo ban tổ chức sự kiện, trong khi táo, bơ và các loại trái cây trồng tại địa phương khác vẫn còn nhiều, nhưng gian hàng sầu riêng không mùi rất có sức hút.

Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, năm 2021 thu về 187 tỷ bạt, tương đương 5 tỷ USD, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.

Trước đó vào năm 2017, nhà nghiên cứu giống cây ăn quả nổi tiếng người Thái Lan Songpol Somsri đã tạo ra giống sầu riêng Chantaburi số 1- một giống sầu riêng không mùi hăng, cũng được mô tả là có mùi thơm và ngọt.

Mùi hôi nồng nặc của trái sầu riêng, được nhiều người ví như mùi của khí gas rò rỉ hoặc tất (vớ) đã dùng trộn với hành tây, gây ra mùi khó chịu đối với nhiều người. Hiện nay loại trái cây này vẫn đang bị cấm ở hầu hết các khách sạn, các hãng hàng không và phương tiện giao thông công cộng ở nhiều thành phố châu Á.

Ví dụ điển hình nhất là vào năm 2017, một phụ nữ người Trung Quốc đã buộc phải vứt bỏ hai quả sầu riêng mua về làm quà của mình sau khi các quan chức đường sắt ngăn cô lên tàu do mùi khó chịu của nó.

Đến năm 2019, một quả sầu riêng đã bị vứt bỏ ở gần một lỗ thông khí tại một trường đại học của Úc đã khiến sinh viên và nhân viên phải sơ tán khỏi khuôn viên nhà trường và gọi các đội cứu hộ để xác định nguồn gốc của mùi hôi. Sau đó “thủ phạm” đã được đưa ra khỏi khuôn viên trong một chiếc túi kín.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, mùi thơm đặc trưng của trái sầu riêng chín lại được coi là hấp dẫn, thậm chí ngành công nghiệp chế biến bánh kẹo còn “làm chậm” và lưu giữ lại hương vị phổ biến của nó, bằng cách làm bánh Pizza sầu riêng hay tung ra các thanh Kit Kat có hương vị sầu riêng.

(News.yahoo; SCMP)

Kim Long (Nông nghiệp Việt Nam)

Exit mobile version