Site icon

Ông lão có khu vườn nổi tiếng: Muốn chỉ bí quyết cho người yêu cây

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Tám Râu đã tìm ra cách giúp các loại cây trong vườn mình ra trái quanh năm với thu nhập gần trăm triệu mỗi tháng.

Với bộ râu xồm xoàm, ông Tám Râu tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn giới trẻ yêu nông nghiệp đến học hỏi, có gì trong ruột gan tôi sẽ truyền lại hết, không cần tiền, chỉ cần tâm của họ một lòng với công việc”.

Kinh qua nhiều nghề

Một sáng cuối tháng 6, cái nắng cháy da cháy thịt tại thôn Nông Sơn 1 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không làm vơi đi sự cần mẫn của ông Phan Quang Tám (Tám Râu) đang chăm sóc cho những trái ổi của mình.

Gặp chúng tôi, ông nở nụ cười và nói ngay: “Vào đây là phải ăn thử ổi, đảm bảo chất lượng không thuốc trừ sâu, ăn vào chỉ có mê”.

Ông Tám (69 tuổi) thoăn thoắt như một cậu thanh niên trẻ leo vút lên cây ổi trong vườn.

Dứt câu, ông Tám (69 tuổi) leo vút lên cây ổi trong vườn. Ông xoay xở một hồi và mang xuống chùm khoảng 8-9 quả ổi trên tay.

Ông khoe: “Ổi này được trồng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, vị của nó sẽ chua, chát, ngọt và giòn”.

Ông Tám sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, năm 1976, lúc 18 tuổi, ông ra Hà Nội học xây dựng. Sau hơn hai năm, ông về lại miền Trung làm xây dựng tại ngành đường sắt.

Ông xoay xở một hồi và mang xuống chùm khoảng 8-9 quả ổi trên tay.

Đến năm 1990, máu nghệ sĩ trong con người ông trỗi dậy. Sau nhiều lần công tác ở Trung Quốc, ông nhận thấy việc nuôi và bán cá cảnh đang ít người làm nên quyết tâm về quê thực hiện công việc này.

“Lúc mới theo đuổi nghề, ai cũng bảo dại dột. Nhưng phần theo đuổi đam mê, phần thấy được “món” này ít người kinh doanh nên tôi về thuê 1ha đất của Nhà nước đào hồ nuôi cá cảnh bán”, ông nhớ lại.

Trái ổi hái từ vườn của ông Tám.

Bất ngờ khi vựa cá cảnh của ông Tám Râu thời đó được nhiều học sinh và người chơi cá đến mua tấp nập. Ông kể rằng, thời đó một ngày bán cá cảnh của ông được đến 60-70 đồng, bằng 1 tháng lương năm 1990.

Đến năm 2005, ông là người thành lập trang trại cá cảnh đầu tiên tại miền Trung. Năm 2010, ông Tám Râu lại chuyển hướng sang nuôi cá diếc và cá leo.

Ông kể: “Năm đó tôi muốn nuôi 2 loại cá này vì cá diếc có nhiều công dụng chữa bệnh như thiếu sữa cho phụ nữ cho con bú, tăng cường thể lực…

Nhưng rồi đến 2014, tôi lại muốn làm gì để lại cho đời, cho con cháu nên quyết định chuyển hướng làm vườn nông nghiệp, vừa phát triển các giống cây trồng, vừa làm du lịch cho những người yêu du lịch sinh thái”.

Đất của ông Tám thuê được chuyển thành miệt vườn khi đầu tư 100 cây mít, 500 cây ổi, 100 cây bưởi, gần 20 cây xoài.

Cây ra trái quanh năm

Với châm ngôn ban đầu là không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân bò và xác cafe để chăm bón, ông Tám đã có những thành công nhất định.

Đất của ông thuê được chuyển thành miệt vườn khi đầu tư 100 cây mít, 500 cây ổi, 100 cây bưởi, gần 20 cây xoài và những loại hoa quả khác nhau như thanh long, hoa lan…

Ông Tám hướng dẫn cách giúp mít ra trái sớm.

Miệt vườn của ông phân các khu rõ rệt từ khu trồng ổi, khu trồng mít chạy quanh 2 bờ hồ trồng sen, khu trồng xoài, bưởi…

Những ngày đầu ông chật vật khi phải tìm tòi nhiều thứ về nông nghiệp, sau một thời gian 4-5 năm, kinh nghiệm đầy mình, ông biết được cách làm như thế nào để cây đậu quả quanh năm.

“Ví như mít, nếu muốn quả ra liên tục thì khi cắt cuống phải cắt sát thân cây. Sau khi cắt, khoảng 2 tháng sau, lớp da non sẽ lên và bắt đầu ra trái mới. Như vậy sẽ có mít bán quanh năm”, ông Tám Râu giải thích.

Xoài muốn ra trái sớm và nhiều cần cắt đầu cành.

Đối với ổi hoặc xoài, muốn ra trái sớm thì có nhiều cách như tỉa lá, tỉa cành đầu ngọn cây. Để cây không mất sức, ông sẽ cho cây đó ra quả vừa đủ nhưng thời gian ra quả liên tục trong năm.

Cách bón phân của ông cũng khác với lý thuyết: “Người ta bảo 1 năm bón phân 2 lần, nhưng với tôi, tháng nào tôi cũng bón nhưng lượng vừa đủ để cây phát triển”.

Doanh thu khủng

Vì cây trái của ông là thực phẩm sạch nên được những người dân ở Đà Nẵng và TP Hội An đến mua rất nhiều. Ông chia sẻ, do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên mỗi kg ổi và mít có giá 25.000 đồng. Ở chợ, hai loại này có giá dao động từ 12.000-15.000 đồng.

Miệt vườn của ông Tám nhận giải Nhất vườn đẹp thị xã Điện Bàn năm 2021.

Hiện nay, mỗi ngày, ông bán trung bình khoảng 100kg ổi, 50kg mít. Doanh thu mỗi tháng của ông xấp xỉ gần 100 triệu đồng. Ông Tám Râu cũng đang thuê 3 nhân công với tổng số tiền phải trả hàng tháng 19 triệu đồng.

Những quả mít sai trái được ông bọc túi để tránh côn trùng.

Tiếng lành đồn xa, ông Tám Râu chuyên về nông nghiệp được cả tỉnh biết đến, nhiều đoàn không quản đường sá xa xôi đến học hỏi cách làm nông nghiệp của ông.

“Nhiều đoàn đến thăm vườn, rồi xin bí quyết để cây phát triển tốt, trái ra quanh năm, tôi chia sẻ hết. Tâm sự xong người ta trả học phí nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi làm vì đam mê, vì thế hệ trẻ chứ không vì tiền nữa rồi”, ông cười khà khà.

Ông Tám mong muốn có người trẻ đam mê nghề để được truyền dạy.

Ông Tám bên những cây giống.

Miệt vườn của ông vào năm 2021 vinh dự nhận được giải Nhất vườn đẹp thị xã Điện Bàn, giải Ba vườn đẹp của tỉnh Quảng Nam.

Nói đến tương lai, ông Tám trầm ngâm: “Mong muốn sao có một người trẻ, đam mê thực sự với nghề này, tôi sẽ truyền lại những gì mình có để phát triển sau này. Bản thân tôi luôn quan niệm: “Sống là cho, cho đi rồi sẽ nhận lại hạnh phúc””.

Công Sáng (vietnamnet.vn)

Exit mobile version