Sở hữu 1 khu vườn dưa lưới sai trĩu không khó, nếu bạn biết cách áp dụng những kinh nghiệm quý báu của chị Tú Huỳnh mách bảo.
Trồng cây cho nhà phố là mong muốn của nhiều người ở nhà phố bởi không gian được tận dụng lại có thêm những loại rau củ quả, trái cây sạch cho gia đình. Dù không có nhiều thời gian rảnh, mỗi ngày chỉ dành ra khoảng 2 giờ thôi, nhưng chị Tú Huỳnh (sống tại Sài Gòn và hiện đang làm kinh doanh) cũng đã đầu tư một nhà màng nhỏ rộng 30 mét vuông để trồng rau củ quả.
Vườn dưa lưới sai trĩu quả.
“Tổng chi phí đầu tư nhà màng cùng hệ thống thông minh tưới tự động nhỏ giọt kết nối điều khiển trực tiếp qua Wifi điện thoại. Tổng chi phí đầu tư hoàn chỉnh tầm 20 triệu. Vì trồng trong điều kiện nhà màng nên cây được cách ly tối đa với sâu bệnh hại và ảnh hưởng thời tiết nên mình có thể trồng quanh năm kể cả mùa mưa. Quy trình từ ươm hạt cho đến thu hoạch không theo bất cứ nguyên tắc nào cả“.
Cùng tham khảo cách chị Tú Huỳnh áp dụng để có vườn dưa lưới xanh tươi tốt, sai trĩu lại ngọt lịm:
Vườn dưa lưới rộng 30 mét vuông của chị Tú Huỳnh.
Chị Tú Huỳnh thu hoạch dưa lưới từ khu vườn của mình.
1. Chọn hạt giống
Trước khi trồng nên chọn hạt giống chuẩn chất lượng vì trồng dưa lưới phải mất đến gần 3 tháng mới thu hoạch.
– Ngâm hạt trong nước 2 sôi 3 lạnh để 2-4h vớt ra cho vào túi zip ủ trong tối 1 đêm 1 ngày. Khi nảy mầm mang ra gieo vào cốc hay khay ươm. Giá thể ươm cây gồm 80% xơ dừa đã xử lý và 20% phân trùn quế.
– Sau khi hạt nhú lên khỏi mặt đất mang cốc hay khay ươm ra chỗ nắng. Ngày phun nhẹ 2-4 lần giữ ẩm.
– Chuẩn bị giá thể hoặc đất trồng, dưa lưới là loại cây rất kén đất và thích sạch sẽ. Vì thế phải trộn đất và giá thể tơi xốp thoát nước tốt và đặc biệt phải xử lý đất thật sạch mầm bệnh. “Nếu không ngại có thể xử lý đất trồng bằng thuốc ridomil sẽ hiệu quả. Bạn cũng có thể dùng các chế phẩm sinh học hay con nấm tricodecma, nhưng loại này tác dụng không nhiều lắm”.
– Sau khi trộn đất xong nên phơi ủ ít nhất 5-7 ngày để đất khô ráo sạch mầm bệnh rồi trồng cây con xuống.
2. Chăm sóc
Dưa lưới là cây ưa nắng nên cần tối thiểu 6 giờ nắng 1 ngày, càng nắng càng tốt. Mật độ trồng quyết định rất lớn đến thành công khi trồng dưa lưới. Tham trồng dày sẽ có kết quả không tốt. Sâu bệnh sẽ khiến côn trùng kéo đến khi thời tiết mưa. Mật độ trồng nên là hàng đôi, cây cách tối thiểu 40cm, hàng cách hàng 1.200cm.
Cần lượng dinh dưỡng lớn và cân bằng nên chú ý giai đoạn này cây chủ yếu phát triển thân lá vậy nên ưu tiên bón cân đối hàm lượng đạm lân kali và vi lương phù hợp. Chị Tú Huỳnh bón hữu cơ và vô cơ kết hợp qua đường tưới không trộn phân lót trong đất nhiều để hạn chế tình trạng lệch dinh dưỡng. Hữu cơ gồm đạm cá, trứng sữa, humic, rong biển và dịch chuối pha loãng, tuần tưới 1-2 lần.
Sau 30-40 ngày kể từ khi ngâm hạt thì bắt đầu chuyển sang giai đoạn thụ phấn. Giai đoạn này rất quan trọng nếu để cây lệch dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng quả yếu hoa cái nhỏ và bị vàng không thụ được. Giai đoạn này tăng kali và giảm đạm cho cây và phun hỗ trợ canxi qua lá để cây hấp thụ nhanh giúp hoa to khỏe tăng khả năng đậu quả.
Sau khi thụ phấn chị Tú Huỳnh sẽ tháo bỏ cánh hoa để hạn chế thối đít quả khi bị mưa ướt. Lưu ý trước khi thụ phấn 1-3 ngày thì phun canxi Bo hay thuốc ngừa nấm. Còn trong giai đoạn thụ phấn tuyệt đối không phun gì và hạn chế tối đa làm ướt phấn hoa.
Sau thụ phấn 2-3 ngày quả đã đậu thì bắt đầu bỏ hết chèo và hoa đực để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Dưa lưới chỉ nên để 1 quả 1 cây cho chất lượng ngon nhất ưu tiên để quả ở chèo. Chọn quả sớm giúp cây tránh thất thoát dinh dưỡng và nuôi quả tốt đạt trọng lượng mong muốn.
Giai đoạn sau 5 -10 ngày thụ quả lớn rất nhanh. Giai đoạn này có thể thúc quả to đạt trọng lượng mong muốn thì tăng hàm lượng đạm và canxi lên cao để quả được to tròn mà không nứt. Giai đoạn này quả lớn nhanh như thổi nên để tránh tình trạng ruột lớn quá nhanh mà vỏ không đáp ứng thì nên phun Canxi Bo lần nữa.
3. Thành quả
Sau khi thụ phấn 10-15 ngày tùy giống thì dưa bắt đầu nứt lưới lúc này mà tưới ít nghèo dinh dưỡng thì dưa không lớn nổi. Mà tưới nhiều quá thừa nước thừa dinh dưỡng thì nó lại nứt.
Vậy nên cân bằng dinh dưỡng hạn chế mưa ướt và tăng cường đạm và canxi. Giai đoạn này quyết định 1 là siêu phẩm để đời 2 là phế phẩm bỏ đi. Trong suốt quá trình trồng nên quản lý phòng trừ sâu bệnh hại bằng cách phun ngừa. Phân bón hữu cơ là đạm cá trứng sữa đậu tương.
Sau 25 ngày trở đi dưa bắt đầu hoàn thiện lưới và cố định trọng lượng. Giai đoạn này nên giảm lượng nước tưới tránh trường hợp ẩm quá thối gốc hay thối thân, bệnh hiểm nghèo.
Sau 30 ngày thụ phấn, giai đoạn này gần như cố định trọng lượng chuyển sang giai đoạn tạo ngọt tự nhiên của quả dưa. Chị Tú Huỳnh sẽ hỗ trợ tạo ngọt cho dưa bằng cách bón phân trứng sữa chuối và humic thường xuyên, tuần tối thiểu 2 lần. Dưa bón phân trứng sữa chuối khi ăn hương vị rất đặc sắc và mùi thơm rất đậm đà khác hẳn dưa mua tại siêu thị.
*Lưu ý
Bộ lá dưa và gốc rất quan trọng. Cây dưa khỏe thân lá tốt thì 100% quả dưa đó sẽ to và đạt chất lượng chuẩn nhất như đặc ruột, vỏ mỏng đậm màu và thơm ngon ngọt ngào đậm vị.
Chị Tú Huỳnh ưu tiên chọn những giống dưa ngon và độ kháng bệnh tốt, cây khỏe tỷ lệ trồng đạt cao dù cho giá cả đắt chút. “Bỏ công sức ra gần 3 tháng trồng được quả dưa tưởng ngon rồi bổ ra vỏ dày rỗng ruột thịt thì mềm ủng nhạt phèo dù mình đã làm rất tốt mà nguyên nhân chỉ vì giống thì rất tiếc.
Vậy nên nếu không trồng kinh tế, chỉ trồng gia đình ăn thì nên chọn những giống dưa chất lượng cao cấp, không những ăn ngon mà còn đẹp mắt. Giống dưa mình trồng đều là giống nhập ngoại giá từ 8 đến 16k/hạt, giá khá đắt tuy nhiên chất lượng thì tuyệt vời“.
Ảnh và video: NVCC
Hồng Nhung (Phụ nữ Việt Nam)