Rau mùi là một loại gia vị tốt cho sức khỏe, cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, K, C và chất chống oxy hóa có lợi cho tim.
Rau mùi là loại thực phẩm không hề xa lạ với người Việt và có mặt trong nhiều món ăn châu Á cũng như toàn thế giới. Không chỉ sở hữu mùi hương đặc biệt và được dùng như một loại gia vị không thể thiếu trong nấu ăn. Chúng còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng lưu ý.
Dưới đây là tổng hợp những công dụng tuyệt vời của rau mùi, cách chế biến hợp lý đối với loại rau này:
Cung cấp chất dinh dưỡng tốt
Rau mùi có thể kết hợp với nhiều món ăn khác nhau hoặc dùng để pha sốt và làm lớp phủ trang trí cho món súp, salad.
Không chỉ sở hữu màu sắc đẹp và hương vị tuyệt vời, rau mùi còn bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể. 1/4 bát rau mùi tươi đem lại khoảng 16% lượng vitamin K cơ thể cần hấp thụ mỗi ngày để duy trì sức khỏe xương và góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương. Hơn nữa, vitamin A và vitamin C trong loại gia vị này có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch.
Ngoài ra, những chị em đang mong muốn giảm cân cũng có thể lựa chọn rau mùi vì chúng bổ sung ít calo cho cơ thể.
Chứa chất chống oxy hóa
Sử dụng rau mùi là cách tuyệt vời để thêm hương vị cho món ăn mà không làm tăng calo, chất béo hoặc natri.
Theo bài viết đăng trên Tạp chí Molecules năm 2022, ngoài vitamin, rau mùi cung cấp các hợp chất quan trọng như chất chống oxy hóa. Loại gia vị này sở hữu một hợp chất đặc biệt quan trọng mang tên polyphenol. Chúng có công dụng giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương tế bào, chống lão hóa sớm và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Rau mùi chứa nhiều vitamin và các chất thiết yếu như folate, kali, mangan, choline và beta-caroten.
Từ lâu, y học cổ truyền đã sử dụng những bộ phận của các loại cây cỏ để chữa đau, tiêu viêm, giải quyết vấn đề về đường tiêu hóa và bệnh tiểu đường.
Mặc dù hầu hết những đặc tính y học của rau mùi vẫn chưa được nghiên cứu nhiều, một công bố đăng trên Tạp chí Molecules đã chỉ ra, loại thảo mộc này có thể có lợi cho tim mạch bằng cách điều chỉnh huyết áp và nhịp tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này bắt nguồn từ hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong rau mùi.
Nhược điểm tiềm ẩn của rau mùi
Để bảo quản rau mùi lâu hơn, mọi người có thể ngâm phần dưới của chúng vào nước và dùng túi nilon che phần lá bên trên.
Nhìn chung, rau mùi vẫn còn tồn tại một số mặt trái nhất định. Nhiều người thậm chí tránh ăn rau mùi vì chính hương vị của chúng.
Trên thực tế, hiện tượng này là điều hoàn toàn bình thường vì 14% dân số thế giới sở hữu một biến thể di truyền, khiến họ rất nhạy cảm với mùi của hợp chất mang tên aldehyde trong rau mùi.
Do khứu giác và vị giác có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không ít người cảm thấy ăn rau mùi có hương vị giống như xà phòng hoặc bụi bẩn.
Ngoài ra, loại gia vị này thường được ăn sống nên khả năng vi khuẩn còn tồn tại trong rau khi tiêu thụ sẽ rất lớn. Từ năm 1998-2017, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã ghi nhận ít nhất 20 trường hợp ngộ độc thực phẩm trên diện rộng liên quan tới rau mùi.
Thông tin từ Đại học Bang Colorado đã chỉ ra, đây là nguyên nhân dẫn đến 659 ca bệnh và 67 ca phải nhập viện điều trị. Nếu bạn có nhiều nguy cơ phải đối mặt với bệnh tật, đang mang thai, trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền, hãy hỏi ý kiến chuyên gia y tế trước khi ăn sống rau mùi hoặc chỉ tiêu thụ loại gia vị này khi đã được nấu chín.
Ngoài ra, rau mùi cũng có thể tương tác với một số loại thuốc hoặc các loại thảo mộc nhất định.
Cách chế biến và tiêu thụ rau mùi
Nếu bạn đang muốn tăng cường chất chống oxy hóa và vitamin, thêm rau mùi vào chế độ ăn hàng ngày là một ý tưởng tuyệt vời. Loại gia vị này có thể có mặt trong món sốt, salad, đậu, món xào, súp, cá, cà ri và nhiều món ăn khác. Nếu không phải là người thích ăn rau mùi sống, bạn hãy lên mạng và tìm các công thức nấu ăn sử dụng loại rau này.
Cynthia Sass, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn sách bán chạy nhất New York Times gợi ý: “Một trong những món yêu thích của tôi là ngô nướng, dùng kèm với rau mùi thái nhỏ và chanh tươi”. Điều quan trọng là đưa rau mùi vào nhiều món ăn khác nhau để tạo ra những trải nghiệm mới lạ.
(Nguồn: Health)
Nhung Mai (Trí thức trẻ)