Site icon

Loại quả siêu bổ dưỡng giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả: Người Việt ít ăn

Chanh leo là một loại quả “nhỏ mà có võ”. Dù có kích thước bé nhưng chanh leo có thành phần dinh dưỡng đa dạng và nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Chanh leo, hay còn được gọi là chanh dây, có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên hai loại chanh leo phổ biến là:

– Passiflora edulis.: kích cỡ nhỏ, hình bầu dục và có vỏ tím.

– Passiflora flavicarpa.: quả tròn hoặc hình bầu dục, vỏ vàng và thường có kích cỡ lớn hơn loại vỏ tím.

Hai loại chanh leo phổ biến, thường được sử dụng nhất. Ảnh minh họa.

Chanh leo là một loại quả “nhỏ mà có võ”. Dù có kích thước bé nhưng chanh leo có thành phần dinh dưỡng đa dạng và nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Công dụng của chanh leo

Chanh leo giàu chất dinh dưỡng

Chanh leo là cung cấp rất nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và provitamin A.

Một quả chanh leo có thành phần dinh dưỡng như sau:

Calo: 17

Chất xơ: 2g

Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày

Vitamin A: 8% giá trị hàng ngày

Sắt: 2% giá trị hàng ngày

Kali: 2% giá trị hàng ngày

Chanh leo rất giàu chất dinh dưỡng. Ảnh: Pinterest

Mặc dù những chỉ số này có vẻ không cao, nhưng cần lưu ý rằng đây chỉ là giá trị dinh dưỡng trong một quả chanh leo.

Chanh leo còn rất giàu dưỡng chất thực vật có lợi cho sức khỏe bao gồm carotenoid và polyphenol.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chanh leo giàu polyphenol hơn nhiều loại hoa quả khác như chuối, vải, xoài, đu đủ và dứa.

Đặc biệt, chanh leo còn cung cấp cả sắt cho cơ thể. Cơ thể thường sẽ không tự hấp thụ sắt được hiệu quả, tuy nhiên, chanh leo lại có cả sắt và vitamin C – loại vitamin giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt.

Giàu chất chống oxy hóa

Chanh leo chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, cụ thể là vitamin C, beta carotene và polyphenol. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do – các phân tử bất ổn định gây hại cho tế bào.

Polyphenol là dưỡng chất thực vật có hiệu quả chống oxy hóa và chống viêm nhiễm. Điều này có nghĩa là polyphenol trong chanh leo có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và các loại bệnh mạn tính như bệnh tim. Đặc biệt, trong hạt chanh leo còn chứa piceatannol – loại polyphenol có thể giúp cải thiện tình trạng nhạy cảm với insulin ở nam giới thừa cân, có khả giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.

Chanh leo chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình lão hóa. Ảnh minh họa.

Vitamin C trong chanh leo hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách giúp cơ thể hấp thụ nhiều sắt từ thực vật hơn – cải thiện khả năng chống lây nhiễm trong cơ thể.

Beta carotene cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng, giúp chuyển hóa vitamin A – vitamin thiết yếu cho mắt. Một chế độ ăn giàu beta carotene từ thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú.

Cung cấp nhiều chất xơ

Một quả chanh leo cung cấp khoảng 2g chất xơ – khá nhiều so với kích cỡ nhỏ bé của nó. Chất xơ rất quan trọng trong việc bảo vệ dạ dày và ngăn chặn táo bón, tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không hấp thụ đủ lượng chất xơ cần thiết. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn – ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến.

Một chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim, tiểu đường và béo phì.

Thực phẩm bổ sung chiết xuất từ vỏ chanh leo có thể giúp giảm viêm nhiễm

Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong vỏ chanh leo có thể có hiệu quả chống viêm nhiễm khi được hấp thụ dưới dạng thực phẩm chức năng.

Một nghiên cứu nhỏ đã thử nghiệm hiệu quả của thực phẩm chức năng làm từ vỏ của chanh leo tím đối với bệnh hen suyễn trong vòng 4 tuần. Nhóm những người sử dụng thực phẩm chức năng đã giảm những triệu chứng như thở khò khè, ho và thở gấp.

Chiết xuất từ vỏ chanh leo có thể có hiệu quả hỗ trợ những người bị viêm khớp và hen suyễn. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu khác ở những người bị viêm khớp gối cho thấy những người tiêu thụ chiết xuất vỏ chanh leo sẽ thấy khớp bớt đau và bớt cứng hơn những người không sử dụng. Tuy nhiên, hiệu quả này vẫn chưa quá rõ ràng và cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để có thể khẳng định chắc chắn.

Những lưu ý khi ăn chanh leo

Chanh leo là loại quả an toàn với hầu hết mọi người, nhưng vẫn có trường hợp dị ứng xảy ra.

Những người có tiền sử dị ứng latex thường có nguy cơ dị ứng chanh leo nhiều nhất. Nguyên nhân là do một số protein thực vật trong hoa quả có cấu trúc tương tự protein latex, có thể gây ra dị ứng ở một số người.

Vỏ của chanh leo tím còn chứa một hóa chất là glycosid cyanogenic. Chất này có thể kết hợp với enzym để hình thành chất độc xyanua – có thể gây ngộ độc với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi chế biến mọi người cũng thường không sử dụng đến vỏ chanh leo vì cho rằng nó không ăn được.

Có thể thêm chanh leo vào các món sữa chua để tăng hương vị. Ảnh: Pinterest

Kết

Chanh leo là loại quả rất dễ ăn, bạn có thể ăn cả phần thịt quả màu vàng, hạt chanh leo và lớp màng mỏng thường thấy khi tách lớp thịt ra khỏi vỏ. Có thể ăn lớp màng mỏng ở chanh leo, nhưng thường mọi người bỏ đi vì có vị đắng.

Chúng ta có thể pha nước chanh leo hoặc thêm nó vào các món tráng miệng, sữa chua hay salad để thay đổi cách ăn cho phong phú, đa dạng.

(Nguồn: Healthline)

Trần Mỹ (Doanh nghiệp và tiếp thị)

Exit mobile version