Site icon

Người Cil nuôi ong mật an toàn sinh học

Với mô hình nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc người Cil ở tỉnh Lâm Đồng đạt thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Cư Xã K’Dung (dân tộc Cil, ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) có thu nhập ổn định nhờ mô hình nuôi ong lấy mật và khai thác sữa. Ảnh: K.S.

Mô hình cho lãi khá

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã phổ biến, hỗ trợ người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn thực hiện hàng loạt mô hình kinh tế. Theo đánh giá, đến nay, các mô hình từ trồng trọt đến chăn nuôi đều phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) gia đình chị Cư Xã K’Dung là một trong những hộ dân phát triển mạnh nghề nuôi ong. Đầu năm 2020, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn trong việc phát triển mô hình ong mật theo hướng an toàn sinh học. Đây là mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả gắn với việc bảo vệ môi trường tại địa phương.

Anh Phạm Văn Cương (chồng chị K’Dung) cho hay, gia đình thuộc diện ít đất sản xuất nên kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nuôi ong. Từ nguồn vốn hỗ trợ và số lượng ong xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay, gia đình có trong tay tổng cộng trên 200 đàn ong. Số lượng này bao gồm mô hình nuôi ong lấy mật và lấy sữa.

“Trước đây, vì chỉ nuôi ong lấy mật nên thường xuyên phải di chuyển, đưa ong đi lấy mật khắp nơi, rất vất vả. Từ năm ngoái, gia đình nhận được sự hỗ trợ nên chuyển qua nuôi ong lấy mật kết hợp lấy sữa. Mô hình này hiệu quả, lợi nhuận cao và cũng nhàn hạ hơn”, anh Cương thổ lộ.

Mô hình nuôi ong mật cho người dân nguồn lãi ròng 50-80 triệu đồng/100 đàn/năm. Ảnh: M.H.

Theo chị K’Dung, việc đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật, lấy sữa cần lượng vốn ban đầu khá lớn. Trung bình, chi phí đầu tư mỗi đàn ong (1 thùng) giống là 1 triệu đồng và một mô hình hiệu quả cần nuôi khoảng 70 đàn. Nhiều gia đình ở địa phương muốn khởi nghiệp với nghề nuôi ong nhưng vì chi phí đầu tư quá cao nên chưa thể thực hiện. Chị cho hay, trong mùa hoa cà phê vừa qua, gia đình thu về hơn 2 tấn mật và bán sỉ với giá 60.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000-100.000 đồng/kg.

Chồng chị K’Dung cũng cho hay, nghề nuôi ong lấy mật và sữa cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã “kéo” gần chục hộ khác ở địa phương vào cùng làm. “Trung bình, cứ 100 đàn ong, người nuôi đạt lãi ròng thấp nhất 50 – 80 triệu đồng/năm”, anh Cương nhẩm tính và cho biết thêm, thời gian tới, gia đình anh tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình.

Nhân rộng mô hình

 Được hỗ trợ nguồn vốn, gia đình anh Phạm Văn Cương có điều kiện thực hiện mô hình nuôi ong lấy sữa. Ảnh: K.S.

Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn sinh học là mô hình hiệu quả. Đây cũng là mô hình cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, Trung tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng và người dân thực hiện mô hình với 7 hộ dân tham gia. Ngoài việc hỗ trợ vốn lên đến 80%, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong hướng an toàn sinh học cho người thực hiện mô hình và những người có nhu cầu tìm hiểu, thực hiện.

Một cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chia sẻ: Với sự thích ứng và phát triển của đàn ong như hiện tại, các mô hình đạt năng suất bình quân từ 24-25 kg/đàn/năm, với mức giá hiện nay, dự kiến mỗi đàn ong sẽ cho thu nhập từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ong mật hướng an toàn sinh học ở Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.H.

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, mô hình nuôi ong mật hướng an toàn sinh học có thể áp dụng rộng rãi tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là mô hình hữu hiệu, cần nhân rộng ở địa phương, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình theo hướng phát huy thế mạnh của các sản phẩm có lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các chuỗi liên kết trong sản xuất từ khâu đầu vào đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt cho nông dân vùng đồng bào dân tộc.

Anh Phạm Văn Cương (hộ nuôi ong mật) cho hay, chương trình hỗ trợ vốn thực hiện mô hình nuôi ong mật hướng an toàn sinh học hiện rất tốt, giúp nhiều gia đình vùng đồng bào thiểu số có cơ hội phát triển. Anh nói: “Để người dân có cơ hội phát triển hơn nữa, tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ đầu tư mô hình từ 70-100 đàn. Hơn nữa, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp quản lý tốt hơn để người nuôi được mua giống chất lượng, giá rẻ”.

Minh Hậu – Kim Sơ (Báo Nông nghiệp)

Exit mobile version