Mùa khô 2019 – 2020, do hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt đã làm thiệt hại gần 4.500 ha sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang; trong đó có đến trên 3.500 ha gần như chết trắng.
Vườn sầu riêng của người dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (ảnh tư liệu).
Đây là mức thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay cho sản xuất nông nghiệp địa phương do thiên tai, mà nguyên nhân bởi thiếu nước ngọt tưới, bị nhiễm mặn, trong khi sầu riêng rất mẫn cảm với hạn, mặn; kỹ thuật và quy trình canh tác của nông dân còn nhiều khiếm khuyết, sự chủ quan của bà con…
Trước tình hình trên, Tiền Giang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tích cực đưa ra các giải pháp phù hợp khôi phục vườn sầu riêng sau hạn mặn, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống. Tỉnh rà soát lại quy trình sản xuất, khắc phục các khiếm khuyết lâu nay và định hướng ứng dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững.
Sau khi thiên tai qua đi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Viện Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan đã tổ chức 363 cuộc tập huấn cho trên 12.000 lượt nhà vườn về quy trình 5 bước chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng sau hạn mặn.
Đối với những vườn cây bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi thì khuyến khích nông dân cải tạo, trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng thích hợp khác.
Nhằm ứng phó hiệu quả hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô hàng năm, không để thiệt hại cho vùng chuyên canh, tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chủ động trữ nước ngọt tưới cho cây trong mùa khô thông qua nhiều hình thức: trữ trong ao mương vườn, đầu tư dụng cụ trữ nước ngọt; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và chăm sóc cây sầu riêng trước, trong và sau mùa khô theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Qua đó, giúp cây đủ sức chống chọi với thời tiết khắt nghiệt hoặc thiên tai hạn mặn gay gắt.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xử lý ra hoa, để trái đối với những vườn cây có dấu hiệu suy kiệt. Những vườn trồng mới chú ý thiết kế đúng kỹ thuật, mật độ vừa phải và cần thiết phải có ao đủ rộng để trữ ngọt tưới tiêu vào mùa khô; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và thâm canh theo hướng GAP cho ra những nông sản hàng hóa an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh đó, Tiền Giang chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn mặn cho vùng chuyên canh vào đầu mùa khô, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, xây dựng phương án ứng phó hữu hiệu theo phương châm “4 tại chỗ”…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn quan tâm kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ và các công trình phòng chống hạn, mặn giảm nhẹ thiên tai hiện hữu như: ô bao Đông – Tây Ba Rày, ô bao Ba Rày – Phú An… tuyệt đối không để rò rỉ mặn vào nội đồng gây hại trong mùa khô hạn hàng năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, về lâu dài, để phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình kết hợp với phi công trình.
Theo đó, chú trọng đầu tư xây dựng các cống điều tiết nước, kiểm soát mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 như: cống Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, cống Rau Răm, cống Cây Cồng…nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát lũ lụt và hạn mặn; triển khai xây dựng các công trình trữ ngọt đầu nguồn đảm bảo nguồn nước tưới đưa về phục vụ vùng chuyên canh.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam cùng các Viện, Trường nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật thâm canh sầu riêng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho nông dân, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác sầu riêng hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ cao một cách rộng rãi để bà con cùng nghiên cứu, học tập, áp dụng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các giải pháp đang phát huy hiệu quả. Trong mùa khô 2020 – 2021, nhờ rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn khốc liệt mùa khô 2019 – 2020, đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời và chủ động nên mặc dù hạn mặn gay gắt nhưng không gây thiệt hại đáng kể cho vùng chuyên canh sầu riêng.
Còn các giải pháp chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng sau đợt hạn mặn khốc liệt 2019 – 2020 theo quy trình 5 bước: Rửa mặn cho đất; phục hồi bộ rễ và lá; hỗ trợ bộ lá phát triển; hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá; tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp do Viện Cây ăn quả miền Nam đưa ra, chuyển giao cho nông dân đang mang lại kết quả. Sau khoảng một năm triển khai, vườn cây phục hồi tốt, bà con rất phấn khởi.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ, dưới 30% đã phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng từ 30% đến dưới 70% bộ lá phát triển tốt, cây phục hồi đạt trên 80%. Đồi với diện tích sầu riêng đã chết thì đến thời điểm hiện nay, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000 ha.
Ông Năm Hiếu, canh tác 3.500 m2 sầu riêng ở xã Cẩm Sơn cho biết, trong mùa khô 2019 – 2020, vườn của ông bị ảnh hưởng hạn mặn, cây trồng rụng lá, khô cành và suy kiệt. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chăm sóc phục hồi theo quy trình 5 bước, sau một năm, vườn sầu riêng đã phục hồi tích cực.
Vụ sầu riêng 2021, ông Năm Hiếu chuẩn bị thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Tuy nhiên, theo ông Năm Hiếu, trong tương lai, để cây sầu riêng “chung sống hạn mặn” và phát triển bền vững, nhà vườn cần phải tổ chức lại sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chú trọng thiết kế vườn cây, mật độ trồng, có ao mương trữ nước đủ lớn và ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng đặc sản.
Hiện nay, Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng gần 15.000 ha tập trung tại các huyện, thị nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây là: Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè, mỗi năm đạt sản lượng trên 300.000 tấn quả cung ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với năng suất bình quân 20 tấn quả/ha, giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng cho thu nhập đến hàng tỷ đồng, là cây trồng cho thu nhập cao nhất hiện nay tại địa phương. Nhờ sầu riêng, nông dân vùng chuyên canh có “của ăn của để” và nông nghiệp – nông thôn đổi thay theo hướng hiện đại.
Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)