Site icon

Những ‘quả ngọt’ bước đầu tái cơ cấu nông nghiệp Điện Biên

Sau 5 năm triển khai đề án tái cơ cấu, đến nay, nông nghiệp Điện Biên đã tạo dựng được những tiền đề căn bản để phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.

Hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung

Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp Điện Biên có những bước tiến vượt bậc.

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt trên 3.800 tỷ đồng (tăng 2,38% so với năm 2019); trong đó nông nghiệp trên 3.400 tỷ đồng (tăng 2,31%); lâm nghiệp hơn 253 tỷ đồng (tăng 0,73%); thủy sản gần 140 tỷ đồng (tăng 7,45%).

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn (áo trắng) kiểm tra tình hình trồng cây mắc ca tại Điện Biên. Ảnh: TL.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với nhu cầu thị trường. Hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn như lúa chất lượng cao (khoảng 2.500 ha), vùng trồng ngô tập trung (9.000 ha), vùng trồng rau chuyên canh (230 ha), vùng mắc ca (gần 3.230 ha), chè 597 ha, cây ăn quả (bưởi, cam, xoài, nhãn…) khoảng hơn 3.000 ha… 

Đến hết năm 2020, tỉnh đã thu hút được 23 doanh nghiệp có các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng số vốn đầu tư là 6.598 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã hình thành, xác nhận và duy trì phát triển được 20 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.

Điện Biên cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả 2 dự án cánh đồng lớn, tổng diện tích thực hiện đạt 396 ha. Thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa tại xã Thanh Yên và Thanh Hưng (huyện Điện Biên) để tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 62 ha.

Tỉnh đã cấp chỉ dẫn địa lý và mã truy xuất nguồn gốc cho 15 ha gạo Bắc thơm số 7, cấp xác nhận 70 ha vùng chè Shan tuyết hữu cơ, 1.318,5 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ và 40 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP.

Việc ứng dụng, triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được đẩy mạnh áp dụng. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP là 103,3 ha (6,3 ha rau, 87 ha dứa và 10 ha lúa). Trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ cao với quy mô 700 m2.

Một số mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới; sản xuất, nuôi trồng và chế biến nấm, nuôi tảo xoắn; sản xuất nuôi cấy đông trùng hạ thảo; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây ăn quả, cây mắc ca ở các dự án của doanh nghiệp… đã và đang được đầu tư. 

Chuyển đổi cây trồng, tăng nhanh HTX

Từ 2017-2020, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa nương, đất ruộng một vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao, tổng diện tích chuyển đổi là 3.283 ha.

Nông dân nhiều nơi ở Điện Biên đã chuyển đổi cơ cấu câu trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường. Ảnh: Trung Quân.

Diện tích trồng cây ăn quả từng bước được mở rộng và phát triển thành vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Phát triển một số cây ăn quả mới phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao như mắc ca, chanh leo…

Về hình thức tổ chức sản xuất, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 162 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 402 tổ hợp tác nông nghiệp, có 37 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Một số HTX kiểu mới được thành lập và hoạt động có hiệu quả như: HTX dịch vụ và tổng hợp Thanh Yên, HTX ong mật Điện Biên, HTX Hồng Phước, HTX CCO, HTX dứa Na Sang…

Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số trang trại trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi tổng hợp, quy mô tương đối lớn theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ… Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa đã và đang diễn ra ở nhiều xã, bản của tỉnh. 

Ông Nguyễn Phú Đỏ, chủ trang trại tổng hợp ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên phấn khởi cho biết: Với diện tích 3,7 ha, được sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như táo, ổi, mít…

Đến nay, hiệu quả mang lại ngoài sức mong đợi. Mỗi năm, trang trại của ông cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn hoa quả các loại, doanh thu ước đạt 4 tỷ đồng/năm. Trang trại tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 18 công nhân.

Ngoài ra, ông còn mở một siêu thị ở TP Điện Biên để tạo thành tuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín. Các sản phẩm ở trang trại được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, sau đó được đưa lên kệ hàng siêu thị phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

5 đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025

Để thúc đẩy thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh thời gian tới, Sở NN-PTNT Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Số lượng HTX nông nghiệp tại Điện Biên đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025 là tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng KH-CN, gắn với hợp tác, liên kết và thị trường. Tăng cường khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Đặc biệt, Điện Biên tập trung nâng cao chất lượng lúa, gạo đặc sản theo cánh đồng lớn, phát triển cây ăn quả đặc sản, lợi thế, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê), bảo vệ tốt diện tích có rừng và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp (mắc ca, dược liệu, trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ).

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành 5 Đề án gồm: Đề án phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản, lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững; Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Đề án OCOP tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 (đã được phê duyệt). 

“Ngành nông nghiệp Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm sáng tạo.

Theo đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản và chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn gắn giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống nông dân…

Là tỉnh miền núi địa có điều kiện vô cùng khó khăn, tuy nhiên đến nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Điện Biên đang mang lại những tín hiệu rất khả quan. Với những kết quả bước đầu đạt được, sẽ là động lực để Điện Biên bước tiếp chặng đường tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới…”.

(Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Điện Biên).

Trung Quân – Phạm Hiếu (Báo Nông nghiệp)

Exit mobile version