Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.
Việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và giúp mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác. Trong ảnh, vải thiều Bắc Giang được bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: MT
Trao đổi với KTSG Online ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thiều huyện Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Úc và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.
Việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và có thêm các cơ hội mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.
Được biết, diện tích trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn là hơn 15.000ha vải thiều, tập trung tại các xã Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có các huyện, như Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động trồng vải thiều với tổng diện tích hơn 27.000ha, trong đó, vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm hơn 15.000ha; và theo GlobalGAP là 338ha.
Năm nay, đối với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020 đồng thời rà soát mở rộng thêm một số vùng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130ha. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.
Vũ Yến (Thesaigontimes)