Site icon

Hà Nội sẽ phân loại rác thành hai loại

Rác sẽ được chia thành loại đốt được và không đốt được để phù hợp với công nghệ xử lý của thành phố.

Thông tin trên được Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 18 ở quận Hoàn Kiếm ngày 26/11.

Trước ý kiến của cử tri đề nghị phân loại rác tại nguồn để thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý hoặc tái chế rác, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, thành phố đang nghiên cứu thí điểm phân loại rác tại từng hộ gia đình. Trước mắt, thành phố có thể chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom và ý thức người dân tốt để thực hiện.

Nằm trong chương trình phân loại rác tại nguồn, Urenco tổ chức nhiều điểm rổi rác thải tái chế lấy quà tặng tại nhiều địa điểm. Ảnh trên là điểm đổi rác lấy quà tại quận Đống Đa. Ảnh: Tất Định.

Rác thải sinh hoạt phân thành hai loại sẽ nhằm loại bỏ, giảm thiểu thành phần trơ (như gạch, đá, cát, sỏi, thuỷ tinh) để phù hợp với công nghệ xử lý.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thành phố đang chú trọng đầu tư công nghệ xử lý rác thải, trong đó có việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. Hiện nhà máy điện rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đang được xây dựng. Ngoài ra, nhà máy điện rác 1.000 tấn/ngày tại khu vực bãi rác Xuân Sơn (thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) cũng sẽ được xây dựng.

Thành phố sẽ khuyến khích cơ chế thu mua để người dân tách các loại rác thải có thể tái chế như nhựa, chai lọ, kim loại nhằm giảm thiểu rác thải sinh hoạt.

Đồng tình với chủ trương phân loại rác tại nguồn, Bí thư kiêm chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho hay quận đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phân loại rác tại từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn cần phù hợp với quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nếu không sẽ tình trạng “phân loại ở đầu nguồn nhưng cuối nguồn lại gộp vào xử lý chung”.

Trước đó, cử tri Phạm Năng Cương, phường Chương Dương, đề nghị thành phố tổ chức phân loại rác tại nguồn và đẩy nhanh xây dựng các nhà máy điện rác, hạn chế việc chôn lấp rác như hiện nay.

Ông Cương cho rằng, để thu đô xanh sạch đẹp thì không nên để tái diễn tình trạng người dân chặn xe chở rác vào bãi Nam Sơn, Xuân Sơn như thời gian vừa qua. Phường Chương Dương cho biết, quận Hoàn Kiếm đang triển khai rất tốt việc thí điểm phân loại rác tại nguồn và đề nghị tăng cường tuyên truyền tới người dân để nhân rộng mô hình thí điểm.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đi kiểm tra đôn đốc tiến độ xây dựng nhà máy điện rác công suất 4.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn hồi đầu tháng 11. Ảnh: Võ Hải.

Từ giữa tháng 8/2020, Urencon (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội) phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện thí điểm phân loại rác tại 4 phường, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn bộ 18 phường của quận.

Theo đề án của quận Hoàn Kiếm, trong năm 2020 thực hiện giai đoạn 1 của đề án phân loại rác tại nguồn, rác được phân loại thành hai nhóm: Rác tái chế và rác còn lại.

Giai đoạn 2 (từ 2021 đến 2025) thực hiện phân loại rác tại nguồn đáp ứng công nghệ xử lý rác và quy định bảo vệ môi trường nên rác được phân làm 4 loại: rác tái chế, rác hữu cơ, rác đốt được và không đốt được.

14 năm trước, phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) là một trong bốn phường trên địa bàn các quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) tham gia dự án phân loại rác 3R theo ba nhóm: rác hữu cơ, vô cơ, tái chế. Tuy nhiên, dự án này chỉ kéo dài 3 năm do công nghệ xử lý rác sau phân loại cũng chưa phù hợp.

Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, 5.000 tấn được vận chuyển lên bãi Nam Sơn để chôn lấp; 1.300 tấn chôn lấp ở bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), còn lại xử lý ở một số lò đốt rác nhỏ.

Nguồn: Võ Hải

Exit mobile version